Nghiệm thu 2 dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện

Tuesday, 07/05/2022 15:23
Acronyms View with font size

Ngày 4/7/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng đánh giá, nghiệm thu 2 dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam do Viện Vật liệu xây dựng chủ trì thực hiện, bao gồm TCVN “Bê tông - Phương pháp xác định hệ số dịch chuyển ion clo”; TCVN “Bê tông - Phương pháp xác định điện trở suất khối hoặc điện dẫn suất khối”. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các nhiệm vụ, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Phan Văn Quỳnh nêu lên lý do, sự cần thiết biên soạn 2 tiêu chuẩn đồng thời cho biết, 2 dự thảo tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở biên dịch các tiêu chuẩn nước ngoài, có chỉnh sửa đảm bảo đồng bộ với hệ thống TCVN.

Dự thảo tiêu chuẩn “Bê tông - Phương pháp xác định hệ số dịch chuyển ion clo” quy định các phương pháp xác định hệ số thấm ion clo ở trạng thái không ổn định của mẫu bê tông ở độ tuổi xác định. Phương pháp thử nghiệm này không tính đến bất kỳ sự tương tác nào của bê tông đối với dung dịch muối theo thời gian và không áp dụng cho các mẫu bê tông đã được xử lý bề mặt, ví dụ như chất chống thấm silanes. Kết quả thử nghiệm là chỉ số độ bền liên quan đến khả năng chống lại sự thâm nhập ion clo của bê tông. Nếu cốt liệu hoặc bất cứ thành phần nào khác có khả năng dẫn điện sẽ ảnh hưởng đến mức độ dịch chuyển ion clo của bê tông. Mức độ ảnh hưởng này được tính đến khi thiết lập các ngưỡng giá trị. Việc so sánh mức độ dịch chuyển ion clo sẽ không chính xác nếu ảnh hưởng của cốt liệu làm sai lệch giá trị căn bậc hai của độ sâu thâm nhập ion clo.

Dự thảo tiêu chuẩn “Bê tông - Phương pháp xác định điện trở suất khối hoặc điện dẫn suất khối” quy định phương pháp xác định điện trở suất khối hoặc điện dẫn suất khối của mẫu bê tông đúc hoặc mẫu lõi khoan sau khi ngâm trong nước bão hòa dung dịch lỗ rỗng mô phỏng để đánh giá nhanh khả năng chống lại sự thâm nhập của chất lỏng và các ion xâm thực hòa tan. Mục đích việc ngâm mẫu trong dung dịch lỗ rỗng mô phỏng là đảm bảo các lỗ rỗng mao quản và lỗ rỗng gel của mẫu thử bão hòa gần như hoàn toàn. Khi so sánh 2 mẫu bê tông, cần sử dụng cùng một dung dịch ngâm mẫu, mức độ bão hòa càng gần nhau thì kết quả càng chính xác.

Tại cuộc họp, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng ghi nhận nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đồng thời đánh giá, trong khuôn khổ thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ số lượng sản phẩm theo hợp đồng; nội dung Báo cáo tổng kết bám sát đề cương đã được phê duyệt. Các dự thảo tiêu chuẩn có bố cục hợp lý, tuân thủ đúng cách thức trình bày tiêu chuẩn Việt Nam và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng các dự thảo tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu cần rà soát, sử dụng đồng nhất các thuật ngữ chuyên ngành; chỉnh sửa các lỗi chế bản, lỗi dịch thuật.

Về tên dự thảo tiêu chuẩn, Hội đồng góp ý nhóm nghiên cứu cần xem xét, chỉnh sửa tên tiêu chuẩn “Bê tông - Phương pháp xác định hệ số dịch chuyển ion clo” thành “Phương pháp thử bê tông - Xác định hệ số thấm clorua”; chỉnh sửa tên tiêu chuẩn “Bê tông - Phương pháp xác định điện trở suất khối hoặc điện dẫn suất khối” thành “Bê tông - Phương pháp xác định điện trở suất hoặc điện dẫn suất”.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Minh Long đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng, sớm chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo tổng kết và 2 dự thảo tiêu chuẩn; trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét theo quy định.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu 2 dự thảo tiêu chuẩn nêu trên, với kết quả cùng đạt loại Khá.

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)