Chống ngập cho đô thị: Nghiên cứu sử dụng các hồ điều hòa

Tuesday, 07/05/2022 14:29
Acronyms View with font size

Nhằm tăng khả năng thoát nước, chống ngập, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ rà soát các hồ điều hòa; nghiên cứu khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới để điều hòa thoát nước hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ theo quy hoạch.

Việc sớm hoàn thành dự án công viên và hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy sẽ giúp giảm úng ngập khu vực đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ. Ảnh minh họa

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước của Thành phố; Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; Quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025...

Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ rà soát các hồ điều hòa; nghiên cứu khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới để điều hòa thoát nước đô thị hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ theo quy hoạch.

Thành phố cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng...; khảo sát và đề xuất phương án thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long (xem xét phương án xã hội hóa đầu tư); nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ (bằng nguồn vốn đầu tư công của quận, huyện hoặc các nguồn vốn huy động khác).

Hiện, khu vực nội thành Hà Nội có diện tích khoảng 313,19 km2. Hệ thống thoát nước được chia thành 3 lưu vực gồm: Tô Lịch, sông Nhuệ, Long Biên.

Việc nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thoát nước cho thành phố Hà Nội đã được UBND Thành phố thực hiện từ những năm 1992-1993. Điển hình là Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn I, giai đoạn II bằng nguồn vốn vay ODA do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Dự án triển khai tại khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ). Thiết kế bảo đảm tiêu thoát nước với cường độ mưa 310 mm/2 ngày cho toàn bộ hệ thống và 70 mm/h đối với hệ thống cống.

Dự án bao gồm các hạng mục cụm công trình đầu mối Yên Sở (bao gồm trạm bơm 90m3/s, hệ thống cống qua đê, kênh dẫn, hồ điều hòa Yên Sở); cải tạo, nạo vét và kè 4 sông thoát nước: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu; cải tạo cầu, cống làm thu hẹp dòng chảy, xây dựng các cửa xả, cửa điều tiết; cải tạo và xây dựng các tuyến cống, kênh, mương thoát nước.

Đáng chú ý, dự án đã cải tạo, nạo vét, kè, tách nước thải các hồ và xây dựng trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch (tổng công suất 6.000 m3/ngày) và hồ Bảy mẫu (công suất 13.300 m3/ngày).

Các khu vực còn lại như: Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, quận Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Trong đó, theo quy hoạch các khu vực này sẽ có các trạm bơm: Liên Mạc (170 m3/s), Nam Thăng Long (9 m3/s), Ba Xã (20 m3/s), Gia Thượng, Cự Khối (tổng công suất 65 m3/s).

Riêng Trạm bơm Yên Nghĩa (công suất 120m3/s) đang được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn thiện; sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét và kè sông, nên chưa bảo đảm việc tiêu thoát nước cho Thành phố.

Được biết, Hà Nội dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi, góp phần tiêu thoát nước đô thị thành phố Hà Nội.

Trong đó, dành hơn 41.067 tỉ đồng (gồm 19.958 tỉ đồng vốn ngân sách, 13.709 tỉ đồng vốn ODA, 7.400 tỉ đồng vốn xã hội hóa) triển khai 20 dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)