Nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu sử dụng bùn đỏ làm nguyên liệu thay thế đất sét trong sản xuất gạch lát sàn và ngói lợp”

Thursday, 06/30/2022 09:11
Acronyms View with font size

Ngày 29/6/2022, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu sử dụng bùn đỏ làm nguyên liệu thay thế đất sét trong sản xuất gạch lát sàn và ngói lợp” (mã số RD 75-20), do Viện Vật liệu Xây dựng chủ trì thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp

Trình bày sự cần thiết của nhiệm vụ, ThS. Nguyễn Hữu Tài chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: bùn đỏ là chất thải của quy trình Bayer sản xuất alumin (ôxít nhôm) từ quặng bauxite, có độ pH cao. Hiện nay tại Việt nam, 2 dự án khai thác và chế biến quặng bauxite đang được triển khai là Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên thải ra lượng bùn đỏ khô ước khoảng 1,2 triệu tấn. Tức là cần phải có hồ chứa bùn đỏ với dung tích rất lớn ở khu vực Tây Nguyên. Sự an toàn của các hồ chứa bùn đỏ cũng như ảnh hưởng lâu dài tới môi trường, nguồn nước, hệ sinh thái của khu vực xung quanh đang là vấn đề rất được quan tâm. Nghiên cứu sử dụng bùn đỏ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng vẫn luôn được khuyến khích tại Việt Nam, nhất là làm nguyên liệu thay thế các nguyên liệu tự nhiên để sản xuất vật liệu xây dựng. Việc nghiên cứu, sử dụng cần phù hợp với các chủ trương chính sách của Nhà nước, quy định về an toàn vệ sinh môi trường và hiệu quả kinh tế. Do đó, nhiệm vụ của Viện Vật liệu Xây dựng có thể xem như bước đi cần thiết để phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng từ phế thải bùn đỏ, giúp giảm nguồn bùn đỏ phế thải từ sản xuất alumin.

Với các mục tiêu cụ thể: xây dựng quy trình công nghệ sản xuất gạch lát sàn và ngói lợp sử dụng bùn đỏ làm nguyên liệu thay thế 50% đất sét, chế tạo 100 viên gạch lát sàn kích cỡ 250 x 250 (mm) chất lượng đạt theo TCVN 7483:2005 Gạch ốp lát đùn dẻo - Yêu cầu kỹ thuật, chế tạo 100 viên ngói lợp 22 viên/m2 chất lượng đạt theo TCVN 1452:2004 Ngói đất sét nung - Yêu cầu kỹ thuật, nhóm tác giả đã xác định rõ phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu. Theo đó, sau khi xác định thành phần SiO2, Al2O3, Fe2O3...trong nguyên liệu đất sản xuất gạch lát sàn và ngói lợp, phân tích thành phần khoáng, thành phần hạt, nhóm đã tiến hành nghiên cứu chế tạo mẫu phẩm trong phòng thí nghiệm, lựa chọn đường cong sấy, lựa chọn đường cong nung, xác định ảnh hưởng của nhiệt độ nung đến tính chất sản phẩm. Nhiệt độ nung được xác định là 1050oC cho gạch lát sàn và ngói lợp sử dụng 50% mẫu đất sét và 50% bùn đỏ Tân Rai.

Từ kết quả thử nghiệm, kiểm tra các tính chất của sản phẩm, nhóm tác giả đánh giá, lựa chọn, bổ sung để thiết lập quy trình công nghệ sử dụng 50% bùn đỏ thay thế đất sét trong phối liệu để sản xuất gạch lát sàn và ngói lợp.

Nhận xét về đề tài, các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính cấp thiết, tính thực tế của đề tài, cũng như nỗ lực của nhóm tác giả để hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra. Bên cạnh đó, để đề tài hoàn thiện, các luận chứng logic và có tính thuyết phục hơn, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực: nguyên liệu bùn đỏ mới chỉ được quan tâm tới thành phần hóa học, chưa được quan tâm đầy đủ tới các tính chất cơ lý, do đó chưa có các phân tích tương ứng; bùn đỏ Tân Rai có hàm lượng kiềm dư rất nhiều sẽ ảnh hưởng tới độ bền của các máy móc thiết bị chế tạo gạch, ngói, điều này cần được nhóm tác giả lưu ý. Ngoài ra, quy trình công nghệ cần biên tập lại. Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Quang Hiệp, đề tài chưa thuyết phục về tính kinh tế, do đó nhóm tác giả cần xem xét đầy đủ mọi khía cạnh của việc sử dụng bùn đỏ làm nguyên liệu thay thế để sản xuất gạch lát sàn và ngói lợp, đi sâu phân tích khía cạnh kinh tế nếu mở rộng quy mô sản xuất theo kiến nghị.  

Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Nguyễn Quang Hiệp lưu ý nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng tư vấn, hoàn chỉnh báo cáo để trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định. Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu, với kết quả xếp loại Khá.

Lệ Minh

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)