Nhận diện dòng tiền và xu hướng bất động sản năm 2022

Wednesday, 06/29/2022 15:26
Acronyms View with font size

Chia sẻ tại “Hội thảo dòng tiền và xu hướng bất động sản năm 2022” diễn ra ngày 28/6 tại TPHCM, các chuyên gia cho rằng, dòng tiền quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Nếu dòng tiền được luân chuyển một cách lành mạnh sẽ tạo điều kiện phát triển nền kinh tế.

Các chuyên gia BĐS cho rằng, vấn đề pháp lý tại các dự án khiến nguồn cung các sản phẩm tầm trung trở nên khan hiếm - Ảnh: VGP/Lê Anh

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) cho rằng, với thị trường BĐS, dòng tiền đầu tiên là nguồn vốn tín dụng.

Vốn tín dụng được xem là "bà đỡ" của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Trong dự thảo Thông tư 39 mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng từ "kiểm soát" việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản và "kiểm soát" việc cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn.

Theo Chủ tịch HOREA, điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Ông Châu đề nghị, xem xét lại theo hướng các dự án bất động sản có tính khả thi, các doanh nghiệp có uy tín, khách hàng được đánh giá cao vẫn được tiếp cận tín dụng, người tiêu dùng có nhu cầu cũng được tiếp cận.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại, doanh nghiệp còn huy động vốn từ trái phiếu và nguồn vốn từ các DN nước ngoài (FDI). Hiện nay, nguồn vốn FDI này đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các tỉnh có BĐS công nghiệp phát triển như Bình Dương, Long An…

Tuy nhiên, theo ông Châu, nguồn vốn từ khách hàng là nguồn vốn tốt nhất, hiệu quả nhất mà nhà đầu tư không chịu áp lực lãi vay. Có nguồn vốn này sẽ giải quyết được nợ tín dụng, nợ trái phiếu và tạo ra doanh thu lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng để có được dòng vốn này, doanh nghiệp phải triển khai dự án đúng hẹn.

Thực tế cho thấy việc triển khai dự án hiện nay gặp không ít vướng mắc, nhất là vấn đề pháp lý. Trong khi đó, người mua đang gặp khó trong tiếp cận vốn vay, vay mua nhà ở xã hội chỉ có thể tiếp cận từ ngân hàng chính sách. Việc khó tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội khiến nhiều người phải vay ngân hàng thương mại.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia BĐS cho rằng, có hai vấn đề cốt lõi cần quan tâm tại thị trường bất động sản Việt Nam là pháp lý và dòng tiền. Lợi thế của thị trường Việt Nam là thị trường bất động sản nhỏ. Riêng bất động sản nhà ở, nguồn vốn và tiềm lực tập trung chủ yếu ở nhà đầu tư trong nước. Nhóm cần nguồn vốn thật sự để phát triển ngành công nghiệp không khói là bất động sản du lịch. Nhóm thứ hai quyết định rất lớn đến tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế là bất động sản công nghiệp. Hai lĩnh vực này sẽ tác động ngược lại bất động sản nhà ở. 

Cũng theo TS. Sử Ngọc Khương, thị trường nhà ở hiện tại nguồn cung thấp, giá bán còn cao nên thanh khoản đang hạn chế. Phân khúc thị trường trung cấp dành cho những đối tượng trẻ đang có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng tài chính của nhóm này. Dự kiến từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS vẫn sẽ diễn ra theo xu hướng như hiện nay.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)