Hà Nội rà soát các biên bản ghi nhớ về đầu tư chưa triển khai

Tuesday, 06/28/2022 15:44
Acronyms View with font size

Nhằm thúc đẩy thực hiện các biên bản ghi nhớ đã ký về đầu tư từ năm 2016 đến nay, Hà Nội sẽ rà soát, phân loại các biên bản ghi nhớ có khả năng triển khai, trường hợp nhà đầu tư không có khả năng triển khai hoặc không quan tâm, Thành phố xem xét tiếp tục kêu gọi đầu tư theo quy định.

TP. Hà Nội tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy các dự án đầu tư - Ảnh: VGP/Gia Huy

46/70 biên bản ghi nhớ (MOU) chưa được thực hiện

UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát kết quả thực hiện các chương trình, dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các biên bản ghi nhớ, cam kết thực hiện tại các hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển giai đoạn 2016 đến nay.

Tại 4 hội nghị từ năm 2016, Thành phố đã ký kết 70 biên bản ghi nhớ (MOU) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 35,6 tỷ USD (trên 906.000 tỷ đồng). Trong đó, có 18 biên bản ghi nhớ vốn đầu tư nước ngoài; 52 biên bản ghi nhớ vốn đầu tư trong nước.

Đến thời điểm này, có 21/70 biên bản ghi nhớ đã hoàn thành và đang triển khai; có 1 dự án chấm dứt hoạt động; 2 dự án vướng mắc; 46 nội dung biên bản ghi nhớ chưa thực hiện.

Khó khăn, tồn tại được UBND TP. Hà Nội cho biết, tỷ lệ các biên bản ghi nhớ ký kết trong các Hội nghị được hiện thực hóa thành các dự án đầu tư còn ít, hiện nay có 46/70 Biên bản chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, dự án đã thực hiện ký biên bản ghi nhớ nhưng sau khi nghiên cứu, đánh giá, phân tích thị trường, chưa rõ hiệu quả nên Nhà đầu tư chưa triển khai, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Việc lập hồ sơ đề xuất, triển khai các thủ tục tiếp theo của các nhà đầu tư còn chậm.

Theo quy định hiện hành, các biên bản ghi nhớ không phải là cơ sở để xác định chủ đầu tư khi triển khai dự án do vậy việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đã ký biên bản ghi nhớ phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành về đầu tư, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai....

Ngoài ra, chi phí hạ tầng và giải phóng mặt bằng tại Hà Nội cao hơn nhiều so với các tỉnh khác; giả thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp còn cao so với các địa phương lân cận (gấp khoảng 1,5-2 lần) khiến chi phí đầu tư ban đầu của nhà đầu tư lớn, không tạo được lợi thế cạnh tranh so với các vùng lân cận.

Tiếp tục kêu gọi đầu tư với dự án không được nhà đầu tư quan tâm

Để thúc đẩy các dự án đầu tư, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất giải pháp trong thời gian tới, đó là rà soát, phân loại các biên bản ghi nhớ có khả năng triển khai theo quy định pháp luật hiện hành để thông tin cho nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư tiếp tục quan tâm và đủ năng lực triển khai, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các thủ tục.

Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng triển khai hoặc không quan tâm, UBND Thành phố xem xét tiếp tục kêu gọi đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.

Trong bối cảnh Đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, giao thương quốc tế từng bước nối lại. UBND Thành phố tiếp thu giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ và các Sở, ngành liên quan rà soát danh mục các biên bản ghi nhớ đã ký theo quốc gia, khu vực để tiếp tục xúc tiến, làm rõ với các đối tác về khả năng triển khai cũng như giới thiệu tới các đối tác mới.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư

Đối với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan tập trung, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án.

Trong Quyết định về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2022. Đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đến hết niên độ ngân sách, các đơn vị không giải ngân tối thiểu đạt 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan theo quy định;

Trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy các dự án đầu tư. Trong đó, quán triệt để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi chủ đầu tư nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các quy định, các chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công.

Các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án, tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản, tránh việc chậm, kéo dài thời gian thực hiện dự án làm phát sinh chi phí đối với dự án do thay đổi giá cả nguyên vật liệu, nhân công và để tiết kiệm chi phí dự phòng của dự án. Thực hiện các thủ tục thanh toán cho các dự án ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; thực hiện bàn giao, hoàn thành hồ tục thanh toán, quyết toán dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương tham mưu, triển khai thực hiện hoàn thiện các thủ tục đầu tư để bố trí kế hoạch vốn; khởi công các dự án mới (từ việc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đến phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán), xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, các quận, huyện, thị xã phối hợp tốt với các Ban Quản lý dự án của Thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp Thành phố do các Ban làm chủ đầu tư trên địa bàn.

Thành phố giao Sở Tài nguyên Môi trường đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, chủ động đề xuất, tham mưu UBND Thành phố các quy định liên quan đến nội dung phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo điều kiện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án.

UBND Thành phố đã phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư; các sở xây dựng chuyên ngành và Công an Thành phố tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở chuyên ngành tổ chức thẩm định; hướng dẫn điều chỉnh các dự án (nếu có), điều chỉnh dự toán giá gói thầu để các dự án kịp thời được hoàn thiện thủ tục, tiếp tục thực hiện không bị gián đoạn, đảm bảo tiến độ.

Hà Nội tiếp tục đưa kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, năm 2021 kéo dài thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2022 đối với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)