Vĩnh Phúc: Giải bài toán chống ngập úng đô thị

Wednesday, 06/15/2022 15:30
Acronyms View with font size

Tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên khi trời mưa lớn không chỉ làm ngừng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Do đó, cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.

Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc đoạn qua địa phận xã Yên Phương (Yên Lạc) đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần giải bài toán chống ngập úng đô thị. Ảnh Nguyễn Lượng

Những năm gần đây, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt sau những đợt mưa lớn, kéo dài, điển hình là trận mưa lớn lịch sử vừa qua (từ ngày 22-24/5/2022).

Qua rà soát của các ngành chức năng, có một số điểm ngập úng cục bộ khi có mưa to, kéo dài, cụ thể: Điểm trên đường Chu Văn An (đoạn từ đường Tuệ Tĩnh đến đường Nguyễn Văn Linh); điểm trên đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ đường Chu Văn An đến đường Bà Triệu); điểm Khu đô thị Chùa Hà Tiên (đường Trần Phú đoạn từ Ngã năm gốc Vừng đến đường Vành đai 2); điểm đường Mê Linh, đường Lạc Long Quân (phía trước Sở Giáo dục - Đào tạo); điểm trên đường QL2, khu vực siêu thị BigC…

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, vùng tiêu sông Phan - Cà Lồ có diện tích lưu vực tiêu 710 km2, chiếm 60% diện tích tự nhiên của tỉnh Vĩnh Phúc. Hướng tiêu thoát hiện tại chủ yếu là tự chảy ra sông Phan, sông Cà Lồ, sau đó thoát ra sông Cầu qua cửa Phúc Lộc Phương.

Tình hình úng ngập của vùng tiêu sông Phan-Cà Lồ gắn với diễn biến lũ trên sông Phan, hồ Đầm Vạc thường rất phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố: Diễn biến, phân bố và cường độ mưa; diễn biến mực nước tại cửa Phúc Lộc Phương. Việc thoát nước của lưu vực sông Phan-Cà Lồ nói chung và thành phố Vĩnh Yên chịu sự phụ thuộc mực nước theo hướng sông Cà Lồ ra sông Cầu.

Khi diễn biến thời tiết bất thường, mưa lớn, dài ngày, mực nước sông Cà Lồ, sông Cầu dâng cao, khả năng tiêu thoát của sông Phan rất khó khăn, tiêu rất chậm, thậm chí chảy ngược về phía thượng lưu, dẫn đến lượng mưa tại các đô thị, đặc biệt là thành phố Vĩnh Yên nằm trong vùng tiêu sông Phan-Cà Lồ bị lưu lại tại các hồ đầm trong khu vực đô thị, nước không tiêu thoát được, gây ngập cục bộ tại các khu vực có cao độ thấp và ngập diện rộng các khu vực đất nông nghiệp nằm trong vùng tiêu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân của tình trạng ngập cục bộ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên được xác định là do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh, dẫn đến bê tông hóa trong xây dựng các công trình, làm cho độ thấm bề mặt đất thay đổi, nước chảy tràn bề mặt lớn, tăng lưu lượng dòng chảy, lượng nước dồn đến các vùng trũng nhanh dẫn đến không tiêu thoát kịp.

Ngoài ra, hệ thống cống rãnh thoát nước mưa chưa được nạo vét thường xuyên, đặc biệt là các tuyến cống ngầm, gây ách tắc, cản trở dòng chảy.

Trước tình trạng ngập úng cục bộ sau mỗi trận mưa lớn, kéo dài, thời gian qua, UBND thành phố Vĩnh Yên đã chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng bám sát địa bàn, kiểm tra rà soát toàn bộ các ao, hồ, đầm, công trình thủy lợi, các tuyến phố ngập úng để có thông tin kịp thời.

Chỉ đạo các đơn vị thoát nước trên địa bàn tổ chức nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy, các tuyến kênh mương, cống hộp, cống ngầm của hệ thống thoát nước; giải tỏa vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, vệ sinh vớt rác tại các cửa thu nước trên mặt đường, nhất là trong lúc mưa lớn, phát hiện sự cố, những tác động ảnh hưởng đến khả năng thoát nước và có phương án xử lý để thoát nước nhanh, kịp thời, đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả.

Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, các đơn vị thi công công trình xây dựng, công trình nhà ở tự xây có ảnh hưởng đến thoát nước trên địa bàn phải có biện pháp đảm bảo thoát nước trong quá trình thi công.

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ thiết kế các dự án chỉnh trang đô thị đã và đang triển khai trên địa bàn; bổ sung cải tạo rãnh thoát nước dọc, bổ sung thêm, thay thế cửa thu nước để đảm bảo việc tiêu thoát nước; kiểm tra các hạng mục đã thi công, trường hợp ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, cản trở dòng chảy phải có giải pháp khắc phục kịp thời; tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tham gia vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Vĩnh Yên rà soát tổng thể hiện trạng hệ thống thoát nước, đề xuất đầu tư xây dựng các tuyến cống trục chính; cải tạo, mở rộng một số tuyến cống chưa đảm bảo khả năng thoát nước; bổ sung hệ thống cửa thu nước tại khu vực có số lượng ít, thay thế cửa thu không đảm đảo tiêu thoát nước.

Yêu cầu Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc, sớm đưa các công trình vào khai thác sử dụng.

Năm 2014, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tổ chức lập Quy hoạch thoát nước đô thị Vĩnh Phúc; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án nghiên cứu toàn bộ phạm vi lưu vực sông Phan-Cà Lồ với mục tiêu xây dựng các công trình để kiểm soát lũ một cách chủ động theo hướng thoát bằng bơm ra sông Phó Đáy và sông Hồng.

Khi dự án này hoàn thành thì việc thoát nước của lưu vực sông Phan-Cà Lồ nói chung và thành phố Vĩnh Yên sẽ không chịu sự phụ thuộc mực nước theo hướng sông Cà Lồ ra sông Cầu.

Tuy nhiên, dự án này mới chỉ đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước đầu mối, bao gồm các trạm bơm chính, các tuyến sông và kênh trục kết nối với các trạm bơm, các hồ điều hoà khu vực như hồ Sáu Vó mà chưa đánh giá, xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước trong đô thị, đặc biệt là thành phố Vĩnh Yên.

Để giải quyết tình trạng trên, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Xây dựng tiếp tục lập Đề án Cải thiện hệ thống thoát nước đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Vĩnh Yên đến năm 2030.

Source: Báo Vĩnh Phúc

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)