Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Friday, 06/10/2022 14:53
Acronyms View with font size

Năm 2022, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tập trung cùng các bộ, ngành liên quan đề xuất tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, gia tăng nguồn cung phân khúc trung bình, giá rẻ; tập trung cải tạo chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm…

Ảnh: VGP/Anh Thơ

Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhấn mạnh điều này khi phát biểu tham luận về thực trạng, giải pháp phát triển nhà ở xã hội - nhà ở công nhân tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ V (2022-2027) sáng 9/6.

Cung không đủ cầu

Theo ông Trương Anh Tuấn, nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp chiếm đến 70-80% nhu cầu của người dân. Song, việc phát triển loại hình nhà ở này thời gian qua còn nhiều hạn chế, cung không theo kịp cầu.

Để hóa giải vấn đề này, năm 2022, Bộ Xây dựng xác định đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong 3 khâu đột phá của ngành xây dựng. Trên cơ sở đó, Bộ đã và đang tập trung đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Ngày 01/04/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngày 24/01/2022, Bộ Xây dựng có Công văn 261 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỉ đồng để các doanh nghiệp vay phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất với các nội dung: Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng gồm: Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định. Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định. Cùng với đó là gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.

Việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc cả về thể chế chính sách và tổ chức thực hiện - Ảnh minh họa

Gia tăng nguồn cung phân khúc trung bình, giá rẻ

Theo ông Trương Anh Tuấn, trong quá trình hoạt động, Hiệp hội đã đề xuất các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở Quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân. Hiệp hội đã có kiến nghị về đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội và những bất cập trong việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước về việc cung cấp tín dụng phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách.

Năm 2022, Hiệp hội sẽ đề xuất các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, trung bình, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tập trung cùng các bộ, ngành liên quan đề xuất tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, gia tăng nguồn cung phân khúc trung bình, giá rẻ; tập trung cải tạo chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm…

Bên cạnh đó, Hiệp hội tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị của Bộ Xây dựng Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm đổi mới, mang tính đột phá. Tham gia ý kiến về ban hành chính sách nhà ở xã hội ở đô thị, nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, nhà ở công nhân khu công nghiệp, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Hiệp hội cũng sẽ tư vấn, tham mưu, ban hành quy định về giám sát việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, đó là: (1) Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; (2) Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp tập trung; (3) Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề…

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô 142.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn, đạt 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2011). Riêng năm 2021, đã có 17 dự án hoàn thành, với 27.800 căn hộ, gần 1,4 triệu mét vuông sàn.

Việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc cả về thể chế chính sách và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, các đợt bùng phát dịch COVID-19 cho thấy, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là khu vực chịu tác động lớn nhất do tập trung đông người dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, từ đó khó ổn định đời sống, việc làm. Do vậy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)