Cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước cần đặt lợi ích đại cục của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết

Wednesday, 06/01/2022 14:39
Acronyms View with font size

Chiều 31/5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu - Ảnh:TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước nêu rõ, phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo đã diễn ra sôi nổi, thiết thực với nhiều ý kiến phát biểu thảo luận thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng, làm rõ được nhiều nội dung mà dự thảo lần thứ hai của Đề án nêu ra, nhất là ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và 15 vấn đề cốt lõi, quan trọng còn có ý kiến khác nhau để đưa vào dự thảo Đề án.

Nhìn chung, các thành viên Ban Chỉ đạo đều đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của Tổ biên tập và Ban Nội chính Trung ương, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học trong hơn một tháng qua. Đánh giá cao và cơ bản thống nhất với ý kiến phát biểu tại phiên họp và trên cơ sở ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước tóm tắt lại một số vấn đề cùng thống nhất. 

Dự thảo Đề án đã thể hiện rõ nét, nhất quán tinh thần mà Ban Chỉ đạo đã quán triệt, đó là việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững định hướng XHCN và nhằm bảo đảm thực hiện dân chủ XHCN ngày càng tốt hơn. Bộ máy Nhà nước là bộ máy kiên quyết chống tham nhũng, để không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng; bộ máy công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm chính quyền các cấp. 

Điều này thể hiện trong quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp ở cả 2 giai đoạn từ nay đến năm 2030 và từ năm 2030 định hướng đến năm 2045. Từ nay đến năm 2030 bám sát Cương lĩnh và Hiến pháp năm 2013 để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện cho tốt tinh thần của Cương lĩnh và quy định của Hiến pháp. Sau năm 2030 đến năm 2045 đưa ra các định hướng liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh và Hiến pháp để đáp ứng đầy đủ các giá trị, đặc trưng của Nhà nước XHCN Việt Nam.

Ảnh: TTXVN

Đối với các vấn đề trọng tâm xin chỉ đạo định hướng và theo yêu cầu của thành viên Ban Chỉ đạo trong phiên họp thứ hai, Chủ tịch nước nhấn mạnh, dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng đề án đã tổ chức tọa đàm, thảo luận với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là cách làm rất khoa học để tạo điều kiện cho việc trao đổi, tranh luận, thảo luận, phản biện giữa tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn, từ đó định hướng được những nội dung cần đưa vào Dự thảo Đề án để tham mưu cho Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng bất kỳ sự cải cách, đổi mới nào cũng có những rào cản cần phải vượt qua, trong đó rào cản liên quan đến lợi ích cục bộ thường là rất lớn, rất khó khăn. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ lịch sử cao cả, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra), vì đất nước giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của toàn dân tộc. Do đó khi bàn về những chính sách, quan điểm cải cách, đổi mới có ảnh hưởng đến lợi ích cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cần đặt lợi ích đại cục của quốc gia, dân tộc, nhân dân là trên hết; quán triệt sâu sắc quan điểm quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân giao phó. 

Mặt khác, chúng ta đặt ra mục tiêu cải cách không chỉ cho nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ sau mà là cho tương lai lâu dài của đất nước. Cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước là để phân công lại việc thực thi quyền lực đó một cách hợp lý, hiệu quả hơn, có điều kiện để kiểm soát tốt hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Chủ tịch nước lưu ý cần quán triệt tinh thần này trong quá trình xây dựng Đề án, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, với tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ để thống nhất và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã giao.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)