Bộ Xây dựng nói “Không” với thuốc lá tại nơi làm việc

Tuesday, 05/31/2022 14:34
Acronyms View with font size

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế do tác hại của thuốc lá gây ra, ngày 11/11/2004, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005. Tiếp đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 và hàng loạt văn bản pháp quy để cấp thiết thực thi Luật cũng đã được ban hành. 

Tác hại của thuốc lá

Thực hiện nghiêm chỉnh những quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, trong nhiều năm qua, Bộ Xây dựng luôn nói “Không” với khói thuốc tại nơi làm việc; đồng thời đẩy mạnh các phong trào, hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc.

Tác hại của thuốc lá

Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Các hóa chất này khi vào cơ thể, tác động lên tế bào, gây viêm mãn tính, biến đổi tế bào dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được các cơ quan kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa kỳ (FDA) xếp vào nhóm có tính dược lý gây nghiện tương tự như Heroin và Cocain.

Với các thành phần độc tính trong khói thuốc, khói thuốc lá đã được khoa học chứng minh là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...) và các bệnh về hô hấp...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Theo WHO, các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.

Nhằm thông tin tới cộng đồng những tác hại của thuốc lá tới môi trường, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường sống và làm việc.

Bộ Xây dựng nói “không” với thuốc lá tại nơi làm việc

Bộ Xây dựng tăng cường tuyên truyền xây dựng môi tường làm việc không khói thuốc

Thực hiện Công văn số 2422/BYT-KCB ngày 11/5/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2022 (từ 25-31/5/2022) với chủ đề “Thuốc lá - Mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”, Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tùy theo tình hình dịch bệnh COVID-19 hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2022, với nhiều hoạt động, cụ thể:

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc; thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá của đơn vị; chỉ đạo đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc lá tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Các sự kiện, hội nghị, cuộc họp tổ chức tại Bộ Xây dựng đều nói “Không” với thuốc lá

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện, đồng thời quán triệt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc; giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc của cơ quan, đơn vị; lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; kiểm tra; thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 - 31/5/2022); treo băng-rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của cơ quan, đơn vị; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nơi làm việc không khói thuốc, kinh nghiệm giám sát việc thực thi các quy định về môi trường không khói thuốc; tổ chức các cuộc tìm hiểu, các buổi nói chuyện về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bằng các hình thức truyền thông phù hợp.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Mọi công dân có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này; người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)