Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần chuyển đổi số quốc gia

Monday, 03/28/2022 14:56
Acronyms View with font size

Để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, TP. Hà Nội xác định rõ trách nhiệm khi được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu theo Đề án 06 của Chính phủ. 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đang được Hà Nội hoàn thiện để tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ nay đến tháng 5/2022.

Cán bộ Cục Thuế Hà Nội giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Minh Anh

Giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là cốt lõi

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Triển khai Đề án 06, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp.

Việc triển khai Đề án phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài. Đề án phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cũng cho biết, Đề án 06 là một trong những đột phá chiến lược của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Đề án gồm 5 nhóm tiện ích, cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nội dung cốt lõi, tạo cơ sở, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ khác

Ông Ngô Hải Phan cũng chia sẻ: "Thực hiện tốt Đề án 06 là thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia" với 5 nhóm tiện tích quan trọng.

Trong đó nhóm tiện ích về dịch vụ công, số hoá hồ sơ giấy tờ, chia sẻ dữ liệu chỉ là một trong 5 tiện ích của Đề án 06 nhưng nếu triển khai thành công tiện ích này thì sẽ tạo niềm tin, cơ sở tiền đề cho phát triển kinh tế số, xã hội số và quan trọng cho triển khai 4 nhóm tiện tích còn lại.

“Đề án 06 góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội.” - Thủ tướng Phạm Minh Chính

Để triển khai nhóm tiện ích này, các bộ, địa phương phải thực hiện khối công việc rất lớn, trong đó phải số hoá và cung cấp dịch vụ công tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 1.500 -1.700 TTHC tại 3 cấp chính quyền, chưa kể theo ngành dọc tại các địa phương. Bên cạnh đó phải đổi mới bộ phận Một cửa tại 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) trở thành trung tâm chuyển đổi số từ xã lên huyện lên tỉnh kết nối với hệ thống thông tin trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, các bộ, ngành, địa phương để tạo thành hệ thống thông tin đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Theo ông Ngô Hải Phan, đây là khối lượng công việc cực kỳ lớn nhưng thực hiện được là sự thành công của Việt Nam với quy mô 63 địa phương, 700 đơn vị cấp huyện, 1.200 các sở, ngành và khoảng 10.000 đơn vị cấp xã.

Theo yêu cầu đặt ra của Đề án, từ nay đến hết tháng 5/2022, các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương phải tập trung nguồn lực để rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình TTHC (bảo đảm kết nối, tích hợp với CSDLQG về dân cư theo nguyên tắc: Khai báo một lần, cắt giảm giấy tờ công dân trong thực hiện thủ tục hành chính).

Theo đó, các Bộ, cơ quan cần thống nhất quy trình nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật để tích hợp, cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

"Đây sẽ là cuộc cách mạng về chuyển đổi số, cải cách TTHC hành chính của nước ta khi được tiến hành đồng bộ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin, đưa dữ liệu dân cư vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội", ông Ngô Hải Phan chia sẻ.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, các Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương chính là lực lượng tiên phong, tham mưu cho lãnh đạo tổ chức triển khai để Đề án được triển khai hiệu quả, thực chất, thiết thực hơn trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06. Ảnh: VGP/Gia Huy

Tích hợp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu để phục vụ người dân

Là địa phương được giao làm điểm của Đề án 06, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, sau hội nghị triển khai Đề án 06 ngày 18/01/2022 đến nay, Hà Nội xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. TP. Hà Nội đang thực hiện đạt các nhiệm vụ theo đúng tiến độ thời gian, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để kiểm điểm tiến độ, đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố. Tại buổi làm việc, Thành phố đã xác định rõ những kết quả bước đầu, những khó khăn, vướng mắc, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của TP. Hà Nội khi được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án trên cả nước

Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Đề án, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định, qua đó đã chứng minh việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ là hướng dẫn đúng đắn, kịp thời, là bước đột phá chiến lược về hạ tầng, góp phần chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số.

Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào thực hiện những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu, giúp quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm và đạt hiệu quả nhiều mặt

Về tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ, đối với 14/25 dịch vụ công thực hiện trong tháng 3/2022, Hà Nội đã thực hiện 07/14 (50%) dịch vụ công theo lộ trình tại Đề án số 06, hiện đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công Thành phố 03 dịch vụ công và Cổng dịch vụ công Bộ Công an 4 dịch vụ công; sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; còn 07/14 dịch vụ công hiện còn một số khó khăn, vướng mắc chưa triển khai được mức độ 3, mức độ 4.

Hà Nội đã chủ động xây dựng, hoàn thiện quy trình tái cấu trúc của 3 TTHC lĩnh vực Tư pháp (Đăng ký khai sinh - Đăng ký khai tử - Đăng ký kết hôn) thuộc danh mục 25 dịch vụ công; xây dựng phương án triển khai, tập huấn và sẵn sàng đảm bảo việc kết nối sau khi đảm bảo các vấn đề về an ninh an toàn và được Bộ Công an đồng ý.

Như vậy, Hà Nội sẽ triển khai ngay trong tháng 3/2022 đối với 3 thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp trực tuyến là: Khai sinh - Khai tử và Đăng ký kết hôn trên toàn thành phố. Sau khi hoàn thành, người dân Hà Nội có kể đăng ký kết hôn trực tuyến.

Về tiến độ đưa các dịch vụ công trực tuyến của Thành phố lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tính đến 01/3/2022, Thành phố đang có 254 TTHC cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVC Quốc gia. Tới tháng 12/2022, Thành phố phải thực hiện tích hợp tối thiểu 794 TTHC/1.135 TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ tiêu đề ra. Hiện, Văn phòng UBND Thành phố đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan hoàn chỉnh Quyết định phê duyệt danh mục và theo dõi tiến độ hoàn thành, đảm bảo việc thực hiện đủ 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Thành phố tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022.

Để bảo đảm các điều kiện triển khai Đề án 06, Đã tiến hành rà soát, thống kê theo báo cáo của tất cả các đơn vị trên địa bàn và kiểm tra tại 38 đơn vị, khảo sát tại 39 đơn vị trên toàn địa bàn Thành phố về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận Một cửa các cấp.

Nguồn nhân lực tại Bộ phận một cửa hiện nay của Hà Nội cơ bản đảm bảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, 100% cán bộ, công chức có trình độ từ Đại học trở lên (theo quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận Một cửa); được cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ công nghệ, thông tin. Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ để đảm bảo vận hành hệ thống, sử dụng thành thạo các phần mềm, các Hệ thống công nghệ thông tin.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc kết nối, tích hợp, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án đã đề ra, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu;

Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, Thành phố sẽ tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai, thực hiện Đề án trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, nhất là cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công từ cấp cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện Đề án 06, phải làm cho các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân hiểu đây là đề án đột phá, liên quan trực tiếp đến các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quốc gia.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)