Chú trọng làm tốt công tác giải phóng mặt bằng

Friday, 03/04/2022 12:46
Acronyms View with font size

Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một giải pháp quan trọng trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua các ngành, các địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, chú trọng chỉ đạo, kịp thời giải quyết các điểm nghẽn của từng dự án. Năm 2021, các địa phương trên toàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ GPMB cho hàng trăm dự án, công trình, đảm bảo cung ứng mặt bằng để đầu tư xây dựng các khu tái định cư (KTĐC), khu đô thị (KĐT), khu dân cư tập trung và nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, công tác GPMB của không ít dự án trên địa bàn các huyện, thành phố còn gặp vướng mắc, khó khăn.


Nhờ thuận lợi trong tiếp cận mặt bằng sạch, Công ty Cổ phần May Sông Hồng sớm triển khai đầu tư, thi công xây dựng Nhà máy may tại xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng).

Là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, nên những năm vừa qua trên địa bàn thành phố Nam Định đồng loạt triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án quy mô lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định, chế độ chính sách của Nhà nước về GPMB; đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án lớn của tỉnh và thành phố. Năm 2021, ngoài giải quyết tồn tại GPMB của một số dự án cũ thành phố đã tập trung hoàn thành GPMB liên quan đến 649 hộ ảnh hưởng thuộc 6 dự án (KĐT mới nam sông Đào giai đoạn 2; các hộ đường Lưu Hữu Phước kéo dài và KTĐC Liên Hà 1; KTĐC Lộc Vượng; dự án đường gom Quốc lộ 10; dự án KTĐC phục vụ GPMB phường Cửa Nam; dự án KĐT đường Nguyễn Công Trứ) với tổng số tiền chi trả là 102,5 tỷ đồng... Ngoài ra còn 98 hộ ảnh hưởng thuộc 3 dự án cải tạo công trình thiết yếu đoạn đường sắt từ Hà Nội - Vinh, Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, dự án nâng cấp hệ thống cải tạo phòng chống lụt bão đê hữu sông Hồng và tả sông Đào, dự án Khu trung tâm văn hóa Trần. Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Nam Định: Nhìn chung, trong thực hiện công tác GPMB thành phố gặp không ít vướng mắc, khó khăn khiến một số công trình bị chậm tiến độ, thậm chí có công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng. Cụ thể dự án xây dựng đường Lưu Hữu Phước kéo dài (đoạn từ đường Thanh Bình đến KĐT Mỹ Trung) và KTĐC Liên Hà 1 và xây dựng KĐT mới phía Nam sông Đào (giai đoạn 1). Một số công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng như: Xây dựng tuyến đường trục phía nam thành phố còn 4 hộ; xây dựng kè hồ Hàng Nan và đường dạo ven hồ còn 43 hộ; KĐT mới Tây Đông Mạc; KTĐC Đông Đông Mạc. Một số công trình, dự án đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của dự án về đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn vướng GPMB một phần diện tích nhỏ chưa thu hồi, gồm: hạ tầng kỹ thuật KTĐC khu vực hồ Bà Tràng; KTĐC Phúc Tân; KTĐC phục vụ GPMB phường Cửa Nam giai đoạn 1; đường Trần Thánh Tông giai đoạn 2 cùng một số dự án tồn Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đang làm thủ tục tham mưu UBND thành phố trình UBND tỉnh cho phép dừng thực hiện dự án. Ngoài ra, còn có dự án xây dựng hoàn thiện đường Trần Bích San đoạn giao với đường Nguyễn Văn Trỗi chưa triển khai thi công do khó khăn về công tác GPMB. Nguyên nhân của các vướng mắc trong công tác GPMB được thành phố xác định là do: một số hộ dân lấn chiếm đất công không trả lại đất, tự ý chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, một số hộ vướng mắc hồ sơ sử dụng đất, một số hộ cố tình không chấp hành phương án GPMB và khiếu kiện nhiều lần, kéo dài.

Không riêng thành phố Nam Định, việc tồn tại khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công tác GPMB là thực trạng chung của không ít địa phương trên toàn tỉnh. Tại Nghĩa Hưng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện đã tập trung cao cho công tác GPMB thực hiện các dự án do Tập đoàn Xuân Thiện là chủ đầu tư tại khu vực Cồn Xanh. Đây là các dự án được tỉnh đánh giá sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của huyện Nghĩa Hưng; đồng thời là tiền đề, động lực để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ. UBND huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ GPMB, thành lập các Tổ công tác thực hiện GPMB và tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương thu hồi đất; các xã có dự án đã thành lập các Tiểu ban GPMB; tổ chức họp dân, triển khai đo đạc bản đồ phục vụ GPMB dự án. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa đạt yêu cầu đề ra; một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và không giải thích rõ cho người dân những câu hỏi liên quan đến GPMB dự án; một bộ phận người dân trong vùng dự án vẫn chưa hiểu rõ những tác động tích cực của dự án; chưa hiểu hết trách nhiệm, nghĩa vụ của người thuê sử dụng đất đã có hành vi gây khó khăn, cản trở tới công tác điều tra khảo sát, đo đạc GPMB.

Để tháo gỡ những vướng mắc kể trên, tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra thực địa để trực tiếp nắm bắt, nhận diện và kịp thời đưa ra phương án xử lý các nút thắt trong công tác GPMB của các công trình, dự án trọng điểm. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để tập trung nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, bảo đảm đúng kế hoạch khởi công, tiến độ thi công các dự án. Trong đó, ngay khi có quyết định đầu tư các dự án, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của các công trình, dự án; chú trọng tuyên truyền để người dân nhận thấy dự án góp phần tạo điều kiện để phát triển kinh tế, các ngành nghề dịch vụ thương mại, mở hướng cho người dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Làm tốt công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại với người dân và công khai các dự án, tạo đồng thuận cao trong thực hiện, triển khai các dự án trên địa bàn. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố đều tăng cường đồng bộ các biện pháp thiết thực nâng cao hiệu quả thực hiện công tác GPMB. Hiện thành phố Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng. Các đơn vị chức năng, địa phương liên quan của thành phố cũng tăng cường trách nhiệm, tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc trong GPMB để hoàn thành các dự án còn tồn tại như xây dựng KTĐC Đông Đông Mạc, KĐT Tây Đông Mạc, kè hồ Hàng Nan và đường dạo quanh hồ, đường trục phía nam đoạn từ đường dẫn cầu Tân Phong đến tỉnh lộ 490C, đường Lưu Hữu Phước kéo dài và KTĐC Liên Hà 1... Để bàn giao mặt bằng các dự án do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư đúng thời hạn các đơn vị chức năng huyện Nghĩa Hưng đã khẩn trương rà soát, cung cấp đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện liên quan đến triển khai dự án; trình tự thủ tục thu hồi đất GPMB theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền và công tác thu hồi đất GPMB. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân về lĩnh vực đất đai, bồi thường GPMB, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án; vận động nhân dân chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước, không tụ tập gây rối làm mất an ninh trật tự khu vực; nếu cố tình vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Huyện cũng căn cứ quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn, nghiên cứu đề xuất các hình thức hỗ trợ chuyển đổi, đào tạo nghề nghiệp cho các hộ dân trong khu vực GPMB khi ngừng canh tác nuôi trồng thủy sản. Đồng thời các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, nắm chắc địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình đo đạc và triển khai dự án; kiên quyết xử lý những trường hợp gây rối, vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

Bằng cách gia tăng đồng bộ các giải pháp tích cực, các huyện, thành phố quyết tâm đẩy nhanh tiến độ GPMB các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm đang thi công và sẽ khởi công trong năm 2022.

Source: baonamdinh.com.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)