Tuyên Quang: Giải pháp phát triển đô thị bền vững

Monday, 12/06/2021 14:21
Acronyms View with font size

Đô thị hóa với nhiều thành tựu đã tạo nên diện mạo tươi sáng cho các đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên sự phát triển thiếu đồng bộ đang đặt ra thách thức lớn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị. Tìm ra giải pháp đúng, nhanh đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, thông minh, hài hòa đang là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh hiện nay.

Thực trạng phát triển đô thị

Theo tiêu chí của đô thị loại II được quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTV QH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thành phố Tuyên Quang hiện trạng đạt 89,63 điểm. Số điểm này được đánh giá trên 5 tiêu chí lớn gồm: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan.

Dựa trên các tiêu chí, thành phố Tuyên Quang nằm trong Top các đô thị đạt số điểm tương đối cao. Dù vậy, nhiều tiêu chuẩn trong các tiêu chí của thành phố lại đạt ở mức thấp điều đang đặt ra những thách thức trong phát triển đô thị.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng, hiện thành phố Tuyên Quang có 21 tiêu chuẩn chưa đạt mức điểm tối đa, gồm: Tiêu chuẩn vị trí, chức năng, vai trò; thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước; dân số toàn đô thị; mật độ dân số toàn đô thị; mật độ dân số khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị; diện tích sàn nhà ở bình quân; cơ sở giáo dục, đào tạo cấp đô thị; công trình thể dục, thể thao cấp đô thị... Có 3 tiêu chuẩn gồm: Đất dân dụng; mật độ đường giao thông (tính đến đường có chiều rộng phần xe chạy  7,5 m); tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật thậm chí chưa đạt ở mức tối thiểu.

Một góc thành phố Tuyên Quang.

Đó là ở đô thị loại II, đối với đô thị loại V các tiêu chuẩn cũng không đồng đều. Tại thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), đánh giá dựa trên tiêu chí đạt số điểm rất cao 91,15 điểm. Tuy nhiên vẫn còn 6 tiêu chuẩn chưa đạt mức tối thiểu gồm: diện tích đất giao thông tính trên dân số; cấp nước sinh hoạt; số thuê bao internet; mật độ đường cống thoát nước chỉnh; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn, kỹ thuật; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị trên tổng số trục phố chính; thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) điểm hiện trạng đạt trên 80 điểm song cũng có đến 9 tiêu chuẩn chưa đạt ở mức tối thiểu.

Ông Hà Đức Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc - Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) cho rằng, sự phát triển không đồng đều giữa các tiêu chuẩn trong đô thị đã, đang và sẽ gây ra những thách thức lớn, nguy cơ các đô thị phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông... như đang xảy ra tại một số đô thị hiện nay. Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng, tốc độ đô thị hóa của tỉnh ta ở mức độ chậm so với khu vực, toàn tỉnh mới chỉ có 1 thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và 6 thị trấn đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

Quy hoạch, phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là 1 trong 3 khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, bền vững, toàn diện trong khu vực miền núi phía Bắc. Cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 25-5-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Mục tiêu đặt ra quy hoạch và phát triển đô thị hướng tới tạo lập môi trường sống văn minh, hiện đại, an toàn, bền vững.

Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Trước mắt tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả về quy hoạch đô thị và phát triển đô thị và đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Sở Xây dựng đã, đang làm việc với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch chung thành phố Tuyên Quang theo tiêu chí đô thị loại I; thị trấn Sơn Dương, (Sơn Dương), Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), Na Hang (Na Hang), Tân Yên (Hàm Yên), Lăng Can (Lâm Bình), Yên Sơn (Yên Sơn) theo tiêu chí đô thị loại IV. Tiến tới triển khai quy hoạch chung 16 đô thị mới theo hướng tiêu chí đô thị loại V ở trung tâm các xã: Thượng Lâm, Phúc Sơn (Lâm Bình); Đà Vị, Yên Hoa (Na Hang); Ngọc Hội, Hòa Phú, Kim Bình, Trung Hà (Chiêm Hóa); Phù Lưu, Thái Sơn (Hàm Yên); Mỹ Bằng, Xuân Vân, Trung Sơn (Yên Sơn); Sơn Nam, Tân Trào, Hồng Lạc (Sơn Dương).

Thành phố Tuyên Quang đang đổi thay từng ngày theo hướng sạch, xanh, sáng, đẹp.

Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch đô thị, tỉnh cũng thực hiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phục vụ hiệu quả công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Tại thành phố Tuyên Quang, trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa của tỉnh đang tập trung đầu tư, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo tiêu chí đô thị loại I. Theo phòng Quản lý Đô thị, thành phố đang cải tạo các tuyến đường, phố chính để xây dựng tuyến phố văn minh đô thị gồm: đường Trường Chinh, Quốc lộ 2 cũ, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Lê Duẩn. Chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng các công trình công cộng để nhân dân có không gian giải trí như: hồ Tân Quang, hồ Tân Hà, hồ Trung Việt...; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu dân cư mới. Hiện thành phố đã giải phóng mặt bằng, chuẩn bị điều kiện cần thiết để xây dựng các dự án khu đô thị, khu dân cư mới, các dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố như: đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các tuyến đường trục phát triển đô thị, các khu đô thị mới như: khu đô thị An Tường Riverside, khu đô thị mới hai bờ sông Lô, khu đô thị dịch vụ và dân cư Nông Tiến, khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, khu sân Gold Vinpearl Mỹ Lâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Huyện Sơn Dương cũng đã đề nghị đang triển khai mạnh việc đầu tư chỉnh trang thị trấn Sơn Dương và trung tâm các xã để phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ. Ông Ma Đức Kính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Dương cho biết, huyện đang đề nghị tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 11 công trình trọng điểm bao gồm: cải tạo đường giao thông, hệ thống cống thoát nước, công trình xử lý nước thải... với tổng nguồn vốn 1.618 tỷ đồng cho thị trấn Sơn Dương. Đảm bảo hoàn thành các tiêu chuẩn về đô thị loại V và hướng đến tiêu chí đô thị loại IV.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về đô thị, ngoài việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, các đô thị cần chú ý đến phát triển công nghiệp. Đây được coi là “bàn đạp” để thúc đẩy kinh tế phát triển, làm “xương sống” cho sự phát triển đô thị. Bởi công nghiệp phát triển sẽ thu hút lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ từ đó sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Source: Báo Tuyên Quang

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)