Vĩnh Phúc phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường

Thursday, 12/02/2021 14:12
Acronyms View with font size

Đô thị hóa là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Tại Vĩnh Phúc, quá trình đô thị hóa còn được gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đi đôi với bảo vệ môi trường để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đô thị hóa gắn với bảo vệ môi trường, Vĩnh Phúc luôn quan tâm và đã có những chủ trương, quyết sách dài hạn để cụ thể hóa vấn đề này.

Thi công mở rộng mặt bằng xây dựng Khu đô thị Nam Vĩnh Yên - một trong những khu đô thị hàng đầu Vĩnh Phúc đáp ứng tiêu chí văn minh, hiện đại và xanh-sạch-đẹp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu trong phần mục tiêu tổng quát có nội dung: Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I với tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.

Đặc biệt, nghị quyết còn nhấn mạnh về vấn đề bảo vệ môi trường với những tiêu chí cụ thể như tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường ở khu vực đô thị đạt 97%, khu vực nông thôn đạt 80%; tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý 100%; tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt hơn 95%.

Tỷ lệ dân số đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 85%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02/BHYT đạt 70%; phấn đấu tỷ lệ cụm công nghiệp (đang hoạt động hoặc xây dựng mới) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 25%.

Ngoài ra, trong 3 khâu đột phá của nghị quyết, có riêng 1 khâu dành cho nhiệm vụ phát triển đô thị. Đó là việc đẩy mạnh phát triển đô thị cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của tỉnh trong 5 năm tới.

Trọng tâm là xây dựng đô thị Vĩnh Phúc xanh - sạch - đẹp - văn minh, hướng đến phát triển bền vững, hiện đại, có bản sắc và đồng bộ. Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội; xử lý tốt ô nhiễm môi trường...

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị của tỉnh những năm qua có thể thấy, đến nay, nhiều công trình, dự án đô thị, giao thông được đầu tư xây dựng, tạo dấu ấn mới trong cảnh quan đô thị và mang lại hiệu ứng xã hội cao như đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đoạn từ Quốc lộ 2 đến đường Tôn Đức Thắng, đường vành đai 3, đường vành đai 4, Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), Dự án Cầu Đầm Vạc, đường giao thông đô thị kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc.

Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng xã hội như Dự án cấp nước sạch Đức Bác, Dự án nạo vét hồ Đầm Vạc, Dự án cầu vượt đường sắt, đường Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khu công viên vui chơi giải trí thành phố Vĩnh Yên, công viên cây xanh huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Yên Lạc; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B; Dự án chỉnh trang đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên… Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông của tỉnh được đầu tư tạo thành mạng lưới liên hoàn giữa giao thông quốc gia với 18 tuyến tỉnh lộ...

Từ việc xác định rõ mục tiêu là cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khung đô thị theo quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trọng điểm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh chương trình, kế hoạch, quy hoạch bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và các quy định của pháp luật.

Dành hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, vốn đầu tư công, nguồn vốn ODA và vốn đầu tư từ các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ, du lịch…

Đến nay, tỉnh đã hình thành, phát triển được gần 30 đô thị, trong đó, 2 thành phố là Vĩnh Yên và Phúc Yên là đô thị loại II và loại III; nhiều xã đạt tiêu chí và được công nhận là thị trấn và đô thị loại V. Nhiều khu đô thị mới hình thành, tỷ lệ dân số đô thị đến hết năm 2021 ước đạt 45%.

Hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Vĩnh Phúc đạt chuẩn đô thị loại I giai đoạn 2021-2025, tỉnh đang tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt, gắn với nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm tính bền vững.

Cùng với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh theo thời gian, mật độ dân số cao ở khu vực đô thị cũng gây ra sức ép ngày càng lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề ô nhiễm môi trường; thiếu hụt nước sạch, tài nguyên đất đai; quá tải hạ tầng giao thông. Trước tình hình này, Vĩnh Phúc chủ trương phát triển đô thị phải gắn liền với nâng cao mức sống, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Theo đó, tỉnh tập trung vào những giải pháp đồng bộ như xây mới, cải tạo, nâng cấp để hoàn chỉnh các hệ thống cống, rãnh thoát nước thải và hệ thống các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, đảm bảo không để xảy ra úng ngập khi trời mưa làm ách tắc giao thông và gây ô nhiễm môi trường.

Xây dựng mới và cải tạo các hồ sinh thái ở khu vực đô thị với mục đích vừa là nơi chứa nước đã qua xử lý, vừa là khu vực tạo môi trường sinh thái có tác dụng điều hòa không khí.

Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc và có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư để khuyến khích tăng nhanh số lượng nhà máy chế biến rác thải đi vào hoạt động.

Toàn bộ các nhà máy sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp đều phải có hệ thống xử lý nước thải nội bộ đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra hệ thống xử lý chung.

Rác thải trong các khu dân cư phải được thu gom, phân loại chuyển đến cơ sở chế biến rác thải. Riêng rác thải hữu cơ phải được quy hoạch nơi chôn lấp tránh làm ô nhiễm nguồn nước.

Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch trong sản xuất để giảm chất thải, tái sử dụng nước thải.

Source: Báo Vĩnh Phúc

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)