Hoàn thiện hơn khung thể chế và pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0

Thursday, 09/30/2021 13:56
Acronyms View with font size

Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), khoảng cách giữa không gian vật lý và không gian kỹ thuật số đang dần được thu hẹp lại; xuất hiện nhiều thay đổi to lớn và kèm với đó, thể chế cùng khung pháp luật cần được thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới.

Ngày 29/9, Tọa đàm Đối thoại Chính sách “Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh CMCN lần thứ tư” đã diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: HNV)

Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đang ứng dụng, triển khai các công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ tư… Tọa đàm do Trường Đại học Kinh tế quốc dân (KTQD) phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) tổ chức.

PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) phát biểu khai mạc Tọa đàm nhấn mạnh, nội dung trao đổi tại Tọa đàm làm rõ hơn việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư và Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư đến năm 2030.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm (Ảnh: PV)  

Theo đó, các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ một số khía cạnh kinh tế, công nghệ của cuộc CMCN 4.0; đánh giá về thực tiễn ứng dụng, hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và những vướng mắc, bất cập về pháp lý; kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc thúc đẩy ứng dụng các công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 trong hoạt động kinh doanh; kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và các vấn đề khác liên quan đến cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam.

Phân tích về nội dung liên quan tới kinh tế số đặc biệt kiến nghị để nước ta phát triển kinh tế số hiệu quả trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Nam, Trường Đại KTQD cho rằng, cần sớm ban hành chiến lược và quy hoạch quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số với mục tiêu làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, làm chủ không gian mạng quốc gia, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực phát triển toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế số, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, trong đó ban hành Luật bảo vệ thông tin cá nhân cần được xem là một ưu tiên trong thời gian tới. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, bản thân các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế cần xây dựng và thực hiện các mục tiêu chiến lược chuyển đổi số phù hợp, dễ tiếp cận, nhằm đáp ứng với các điều kiện thị trường liên tục thay đổi để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị và sự hài lòng của khách hàng.

TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự ‐ kinh tế, Bộ Tư pháp chỉ rõ, khung pháp luật hiện hành của Việt Nam đã khá đầy đủ để điều chỉnh các hợp đồng thông minh mà không cần có sự sửa đổi, bổ sung hay xáo trộn lớn. Tuy nhiên, bà Hương Ly cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005 sao cho phù hợp với thực tiễn đang thay đổi rất nhanh chóng hiện nay, trong đó nhấn mạnh tới quy định rõ về chữ ký điện tử an toàn và giao dịch chữ ký điện tử.

Bối cảnh thực tế CMCN 4.0 có nhiều thay đổi nhanh chóng cần có điều chỉnh kịp thời của chính sách pháp luật (Ảnh tư liệu)

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Đức Minh, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương kiến nghị thêm, cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; xây dựng một chiến lược đồng bộ với pháp luật bao trùm và linh hoạt. Cụ thể, hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh... Từng bước và tăng cường chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số.

Phân tích sâu hơn đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh CMCN 4.0, diễn giả Nguyễn Tuấn Linh đề xuất, Việt Nam nên tham khảo cách tiếp cận của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (GDPR), cụ thể là tạo ra nhiều cơ chế cho doanh nghiệp tuân thủ. Theo đó, nếu Nhà nước đã ban hành quyết định xác định một quốc gia có đầy đủ cơ chế để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bên xử lý có thể chuyển dữ liệu tới quốc gia đó mà không cần sự chấp thuận cụ thể của cơ quan nhà nước. Mặt khác, nếu bên xử lý đã có các biện pháp bảo vệ theo thỏa thuận/hợp đồng, họ cũng không cần xin chấp thuận cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.../.

Source: Dangcongsan.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)