Thành phố Hồ Chí Minh: Khơi nguồn cung nhà ở xã hội

Monday, 07/19/2021 14:32
Acronyms View with font size

Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, số lượng nhà ở loại hình này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân. Hiện thành phố đang xây dựng, hoàn thiện chính sách nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, qua đó giúp khơi thêm nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông ở thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhu cầu rất lớn

Trong 5 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 20 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với trên 15.000 căn nhà. Con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu nhà ở xã hội của người dân thành phố. Anh Trần Trọng Bình (phường Phú Thuận, quận 7) cho biết, dù thuộc diện đối tượng ưu tiên nhưng do nhu cầu quá lớn nên anh chưa tới lượt mua nhà ở xã hội. Mặt khác, giá nhà ở xã hội hiện tại tương đối cao, dao động ở mức 20-25 triệu đồng/m2, nên người lao động khó có thể mua được.

Trong bối cảnh nhu cầu mua nhà lớn nhưng nguồn cung còn hạn chế, giá nhà ở thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh ngày càng xa "tầm với" của phần lớn người thu nhập thấp thì giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội được xem là tối ưu. Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Trường Phát Nguyễn Văn Dũng phân tích, giai đoạn 2016-2020, nguồn cung nhà ở bình dân vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đến nay số lượng nhà ở phân khúc này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1% nguồn cung. Trong khi doanh nghiệp không còn chú trọng đầu tư nhà ở bình dân thì giải pháp khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội được xem là thiết thực để tăng nguồn cung nhà ở giá thấp. Để thực hiện điều này, thành phố cần có chính sách hấp dẫn, thu hút được nhà đầu tư.

Theo kế hoạch của thành phố, giai đoạn 2021-2025 dự kiến phát triển mới khoảng 2,13 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn. Hiện thành phố có 19 dự án trong danh mục nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành từ năm 2021 trở về sau. Ngoài ra, thành phố đang có 65 dự án nhà ở thương mại, trong đó đã xác định quỹ đất 20% (trên 197ha) để thực hiện nhà ở xã hội với hơn 146.000 căn. Như vậy, đến năm 2025, dự kiến sẽ có trên 170.000 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng.

Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Hiện kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh còn chậm do khó thu hút nhà đầu tư. Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), cơ quan này vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, HoREA đề xuất tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà ở bao gồm cả dự án nhà ở xã hội hoặc dự án nhà ở thương mại, thay cho tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhằm mở rộng đối tượng đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mức giá nhà ở xã hội có thể giảm nếu thành phố đơn giản hóa thủ tục đầu tư và miễn tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư. Như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, đã 4 năm vẫn chưa thể triển khai được dự án nhà ở xã hội vì vướng thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành Lê Hữu Nghĩa, quỹ đất công của thành phố còn rất lớn, nhưng doanh nghiệp xin đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì khâu thủ tục còn phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Giải quyết vấn đề trên, thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng cơ chế để kiến tạo quỹ đất và nguồn vốn. Đối với quỹ đất, Sở Xây dựng thành phố vừa kiến nghị UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Thông tin thêm vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huỳnh Thanh Khiết nhấn mạnh, khi phê duyệt các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội. Về cơ chế vốn, ngoài nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa, Sở đề xuất sử dụng số tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô dưới 10ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thành phố đang thực hiện Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đồng thời, thành phố sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư, trong đó sẽ minh bạch, tạo điều kiện tối đa về thực hiện thủ tục; công khai lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đạt mục tiêu tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân.

Source: Hà Nội mới

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)