Sớm hoàn thành Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Monday, 03/15/2021 14:38
Acronyms View with font size

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng kiến nghị sớm tổ chức thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 4/2021, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ĐBSCL

Báo cáo về việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 120,  Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ được giao thực hiện 3 nhiệm vụ, cụ thể:

Về xây dựng Hội đồng vùng và cơ chế điều phối vùng, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 825 ngày 12/6/2020 thành lập và Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, với Chủ tịch Vùng là một Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng là phó chủ tịch và 13 chủ tịch các tỉnh trong vùng là thành viên. Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức triển khai quy hoạch vùng sau khi được phê duyệt, bảo đảm tính hiệu quả trong công tác điều phối, liên kết, giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên tỉnh.

Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chủ tịch hội đồng Vùng tổ chức họp Hội đồng Vùng để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng, việc sử dụng nguồn lực, phân bổ nguồn lực, xây dựng danh mục dự án có tính lan tỏa, động lực, các dự án đường ven biển của Vùng.

Về công tác quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, 13 địa phương vùng ĐBSCL, Ngân hàng thế giới và đơn vị tư vấn nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động lấy kiến rộng rãi, nhất là ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu vùng ĐBSCL. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý có tính định hướng và xác đáng đối với quy hoạch Vùng, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện báo cáo quy hoạch, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và các tài liệu liên quan khác. Bản quy hoạch đã thể hiện nhiều đổi mới mang tính đột phá tầm chiến lược về định hướng, tư duy phát triển bền vững, liên ngành, liên vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 120.

Thứ nhất, quan điểm lập quy hoạch lấy yếu tố “con người” làm trung tâm để phát triển Vùng ĐBSCL thành “Nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “Nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng; lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu là yêu cầu tất yếu; coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; đa dạng về văn hoá cũng như hoạt động kinh tế, không để ai bị bỏ lại trong quá trình phát triển.

Thứ hai, quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp và xác định ranh giới ngọt - mặn - lợ theo hướng thuận thiên có kiểm soát, để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hài hoà với điều kiện tự nhiên môi trường, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa giá trị và hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba, phát triển vùng thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao trên cơ sở phát triển hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp và các hành lang kinh tế để nâng cao giá trị, hiệu quả của từng khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Thứ tư, tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trong đó công nghiệp chế biến là ngành mũi nhọn; phát triển dịch vụ đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường kết nối nội, ngoại vùng. Xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết hợp với các trung tầm đầu mối về nông nghiệp.

Thứ năm, tập trung nguồn đầu tư phát triển hạ tầng để đi trước một bước, nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của Vùng. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của Vùng.

Thứ sáu, cải thiện hạ tầng cấp nước theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt, với trọng tâm là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xâm nhập mặn và hạn hán; lấy nước mặt từ vùng nước mặt ngọt vĩnh viễn; giảm dần và tiến tới dừng sử dụng nước ngầm để làm chậm tốc độ sụt lún đất; tăng cường nguồn trữ nước ngọt để cung cấp đến các khu vực thiếu nước phục vụ tốt nhất cho sản xuất và sinh hoạt.

Thứ bảy, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị; năng lượng tái tạo, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… là tương lai của ĐBSCL. Thay thế dần các nhà máy nhiệt điện than bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…), trong đó, chú trọng quy trình xử lý chất thải vùng với lượng chất thải thu gom từ nhiều tỉnh để đạt được quy mô hiệu quả và áp dụng phương pháp đốt rác thanh năng lượng một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Thứ tám, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường. Tái tạo hệ thống rừng ngập mặn.

Đến nay, báo cáo Quy hoạch vùng đang ở bước cuối trình Hội đồng thẩm định thông qua. Cùng với quy hoạch vùng, toàn bộ 13/13 địa phương trong vùng đang khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh nhằm cụ thể hóa quy hoạch vùng trong bối cảnh tổng thể, liên kết, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự kiến đến hết năm 2022, toàn bộ địa phương trong vùng sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch tỉnh.

Về huy động nguồn lực, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, trên cơ sở kiến nghị của Bộ KH&ĐT, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 973 ngày 08/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 ngày 14/09/2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định các tiêu chí tính điểm của Vùng ưu tiên cao hơn các Vùng khác trong cả nước.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, NN&PTNT, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của Vùng khoảng 388 nghìn tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.

Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD. Với quy mô vốn như vậy, sẽ hoàn thành được các công trình: đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa,... Tuy nhiên, số vốn trên mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương, chưa thể kết nối liên tục các tuyến ven biển, còn nhiều nơi như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vẫn phải đi phà hoặc vòng sang cầu hiện hữu đã quá tải.

Do đó, để có thêm nguồn lực ngoài khoản vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ KH&ĐT đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển.

Hiện nay, Hồ sơ đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu cho Vùng ĐBSCL đã được hoàn thiện và nhận được sự đồng thuận của các bộ và 13 tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách nêu trên còn gặp một số vướng mắc, do chưa nhận được ý kiến đồng thuận của Bộ Tài chính. Theo ý kiến của Bộ Tài chính, các dự án tại các địa phương sử dụng vốn vay tại Khoản hỗ trợ ngân sách trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nên không thể cấp phát 100% vốn vay, mà địa phương phải vay lại theo Nghị định số 97 về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Theo Bộ KH&ĐT, các địa phương vùng ĐBSCL đa phần là các địa phương khó khăn, ít có khả năng vay lại, các dự án dự kiến triển khai là các dự án hạ tầng thi£t yếu, đặc biệt quan trọng, nhưng không có khả năng thu hồi vốn, nên chưa có thể áp dụng cơ chế tại Nghị định số 97 của Chính phủ. Như vậy, cần một cơ chế đặc thù, vượt trội cho nguồn vốn này để thực hiện được mục tiêu như kết luận tại các cuộc họp trước đây của Thủ tướng Chính phủ với vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, trong thời gian tới đây, Bộ KH&ĐT sẽ tích cực làm việc với các nhà tài trợ, nhất là các nhà tài trợ đang hiện diện tại Hội nghị này để huy động đủ số vốn 2 tỷ USD mà Chính phủ đã cam kết bổ sung thêm cho vùng ĐBSCL.

Chuẩn bị tốt các nguồn lực để ĐBSCL phát triển trong thời gian tới

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị một số nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL.

Về nguồn vốn ODA, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý tiếp nhận 2,0 tỷ USD hỗ trợ thêm cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, tăng thêm 950 triệu USD ngoài khoản 1,05 tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới đã cam kết, theo cơ chế đặc thù, vượt trội và thực hiện cơ chế cấp phát 100% cho các địa phương trong vùng để hoàn thiện khép kín toàn bộ tuyến đường ven biển, hoàn thành các cầu lớn kết nối các địa phương trong vùng, các dự án thuỷ lợi liên kết vùng, có tính lan toả, tập trung phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu và một số trục giao thông động lực của Vùng.

Về công tác quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng xem xét, sớm tổ chức thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 4/2021, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng.

Về phân bổ nguồn lực, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực và bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tác động lan tỏa; mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất kinh doanh, kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển; ưu tiên cho các dự án giao thông đường ven biển, nhằm kết nối khép kín tối đa tuyến đường ven biển của vùng ĐBSCL.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)