Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Friday, 11/27/2020 14:12
Acronyms View with font size

Xây dựng nông thôn mới với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, là của dân, do dân, vì dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chính vì vậy, người nông dân cần nâng cao vai trò là chủ thể của nông thôn, sẵn sàng đóng góp công ích cho làng xóm và học hỏi, nâng cao nhận thức trình độ sản xuất cũng như quy cách làm giàu.

Nhờ công sức đóng góp của nhân dân nên diện mạo nông thôn Hà Nội ngày càng sạch đẹp. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội, hiện nông dân đang chiếm 50,8% dân số toàn thành phố, do vậy, nông dân Thủ đô cũng cần có tầm thức mới, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua và xây dựng nông thôn mới.

Để tạo ra nguồn lực mạnh mẽ trong tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, Hà Nội đã rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 1.225 HTX nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích phát triển thành lập mới 43 HTX chuyên ngành theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Phúc, thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, thời gian đầu tập nuôi chim bồ câu, chưa có đầu ra, anh phải mang bồ câu đến từng quán ăn để chào hàng. Anh cũng tận dụng thế mạnh là một lập trình viên đã tự lập trang web, fanpage để quảng cáo sản phẩm của mình. Dần dần, khách hàng tìm đến anh ngày một đông. Đến nay, bồ câu giống và bồ câu thương phẩm do anh Phúc cung cấp luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu". Trang trại bồ câu Hồng Phúc hiện có tổng đàn 9.000 đôi chim, chăn nuôi ở 5 cơ sở: 4 cơ sở tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn và 1 cơ sở tại tỉnh Thái Nguyên. Suốt mười năm gây dựng cơ nghiệp, từ một lập trình viên trẻ, đến nay anh Phúc đã trở thành ông chủ của một trang trại lớn, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập ổn định. Với mức giá bán ra từ 200.000 - 250.000 đồng/đôi bồ câu giống, 150.000 đồng/đôi  bồ câu thịt, mỗi tháng, anh Phúc thu lãi 250-300 triệu đồng.

Không chỉ sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nuôi trồng trong nông nghiệp, người nông dân hiện nay còn rất thức thời, nhanh nhạy về công nghệ thông tin đưa sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến với người tiêu dùng. Điển hình như Anh Nguyễn Văn Kết, chủ trang trại nuôi ếch ở xã Bắc Phú chia sẻ, ếch là loài ít dịch bệnh, bệnh thường gặp nhất là đầy hơi nếu môi trường nước không bảo đảm. Bởi vậy, anh rất hạn chế dùng thuốc kháng sinh, tập trung nuôi ếch bằng tỏi và các cây lá thảo dược. Chính vì vậy, ếch thương phẩm của gia đình anh được ưa chuộng và nhiều người tự tìm đến.

Người nông dân thời đại 4.0 không chỉ biết chung tay làm giàu, khởi nghiệp để có cuộc sống sung túc, ấm no hơn mà còn sẵn sàng cống hiến vì lợi ích chung, vì cộng đồng bà con xóm làng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tuy vẫn còn nhiều gia đình khó khăn nhưng họ luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới. Đó là ngôi nhà cổ của ông Khuất Duy Nguyên (75 tuổi) ở xóm Dế thuộc thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ. Nhà được làm bằng gỗ, có từ 5 đời, tính đến nay đã hơn 100 tuổi. Ông Nguyên là cháu trưởng của dòng họ Khuất trong làng, nên mọi việc ông làm đều có ảnh hưởng đến những người trong họ. Theo ông Nguyên chia sẻ: Khi ông đồng ý dỡ bỏ một phần mái nhà, phạt đi một đoạn tường để hiến đất, người trong dòng họ rất phản đối. Đất hương hoả, nhà tổ tiên có từ 5 đời bỗng nhiên động chạm phá dỡ, ai cũng ngại. Nhưng trong các cuộc họp gia đình, ông vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình vì bớt đi vài chục centimet thì đường thôn sẽ rộng rãi hơn nhiều. Đó chính là cái lợi lâu dài mà ai cũng được hưởng. Vì vậy con cháu đã đồng ý nghe theo ông để đóng góp hiến đất cho làng.

Hay để có được con đường bích họa người dân cũng chủ động hiến đất làm đường, Theo ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, ai cũng hiểu rõ giá trị của "tấc đất - tấc vàng", nhưng hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, chính những người nông dân đã hy sinh nguồn lợi cá nhân để hiến đất mở đường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đến thôn Mộc Hoàn Đình, xã Vân Côn hỏi thăm ông Phùng Văn Hải thì ai cũng biết ông Hải là tấm gương sáng trong phong trào hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm. Không chỉ tự nguyện đóng góp đất đai, công sức, tiền của, ông Phùng Văn Hải còn kiên trì vận động người dân góp công sức, tiền bạc để xây dựng nhiều công trình bị phá dỡ trong quá trình mở đường. Việc làm của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn Thành phố.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)