Huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đầu tư gần 10 tỷ đồng làm đường bê-tông đến xã đặc biệt khó khăn Cà Lúi. Ảnh: TRÌNH KẾ
Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo nên sức sống mới ở khu vực miền núi Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, địa bàn này hiện vẫn là "vùng trũng" trong xây dựng NTM. Ðể xây dựng NTM thật sự là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống người dân, còn có quá nhiều việc phải làm.
Vùng miền núi Nam Trung Bộ có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Thêm vào đó, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, xã hội còn yếu, trình độ sản xuất lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Xuất phát điểm thấp nên việc xây dựng NTM ở khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. So với cả nước, và ngay cả trong khu vực, miền núi Nam Trung Bộ được đánh giá vẫn đang là "vùng trũng" trong xây dựng NTM; thậm chí, cho tới nay, còn nhiều xã đạt dưới 10 tiêu chí; nhiều huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM và nhiều tỉnh chưa có huyện hoàn thành xây dựng NTM.
Khó khăn là vậy nhưng trong gần 10 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã mang lại một số kết quả bước đầu khá ấn tượng, tạo nên sức sống mới ở khu vực miền núi Nam Trung Bộ. Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng", các địa phương đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động được toàn dân tham gia xây dựng NTM. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi khởi sắc; chất lượng đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Ở Khánh Hòa, về xã Sông Cầu hôm nay, nhìn khung cảnh nhà cửa khang trang, đường bê-tông sạch sẽ, cây cối hoa màu xanh tươi, trù phú ít ai hình dung nổi trước kia đây là địa bàn rất khó khăn, thậm chí có hộ dân thiếu đói mùa giáp hạt. Ðược huyện Khánh Vĩnh chọn làm xã điểm thực hiện xây dựng NTM, do có xuất phát điểm thấp, Sông Cầu đứng trước nhiều thách thức như kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tỷ lệ hộ nghèo khá cao... Chủ tịch UBND xã Sông Cầu Nguyễn Ngọc Hoa vui mừng cho biết, hiện xã đã có nhiều mô hình chăn nuôi, trồng rau sạch, rau công nghệ cao... đem lại thu nhập tốt, nâng cao đời sống nhân dân. Trên địa bàn xã, Cụm công nghiệp Sông Cầu đang thu hút nhiều nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện nay, xã đang cố gắng duy trì mức độ các tiêu chí đạt chuẩn, hướng tới xây dựng chuẩn NTM nâng cao.
Giữa chập chùng mầu xanh đồi núi, tuyến đường hoa kiểu mẫu dài 3,6 km tại trung tâm xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh (Phú Yên) tạo điểm nhấn độc đáo cho bức tranh NTM tại miền núi thêm sống động. Ðược chọn là một trong ba xã điểm triển khai chương trình xây dựng NTM, từ một xã đặc biệt khó khăn, Sông Hinh thật sự chuyển mình, và được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Ðiều dễ nhận thấy nhất là hệ thống giao thông liên thôn, liên xã đã được bê-tông hóa đi về tất cả năm thôn trong xã. Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Lê Trọng Chung cho biết, địa phương đã tạo được sự đồng thuận cao từ cấp ủy, chính quyền đến người dân trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng thu nhập, cụ thể như chuyển đổi diện tích cà-phê không còn hiệu quả sang trồng tiêu, cao-su, các loại cây ăn quả khác.
Cũng ở Phú Yên, trong điều kiện rất khó khăn, huyện miền núi Ðồng Xuân đã có bảy xã đạt chuẩn NTM trong năm 2020, đồng thời xã Xuân Sơn Nam đang phấn đấu đạt xã NTM nâng cao vào năm 2021. Ông Mạnh Thế Hoàng ở xã Xuân Quang 2 cho biết: "Xây dựng NTM là chủ trương lớn phù hợp nguyện vọng của người dân vùng miền núi, do đó, mọi người dân trong xã đồng lòng, hưởng ứng mọi phong trào, như quyên góp làm đường bê-tông nông thôn, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia các loại hình bảo hiểm, cố gắng làm ăn để nâng mức thu nhập gia đình, góp phần nhỏ của mình đưa xã về đích NTM".
Ðể đạt được kết quả đó, các địa phương đã vận dụng linh hoạt và hiệu quả các chính sách, nguồn vốn được hỗ trợ. Tỉnh Bình Ðịnh đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho các xã miền núi xây dựng NTM. Các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão của tỉnh đã hỗ trợ phát triển rừng thông qua giao đất trồng rừng sản xuất, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ được rừng. Cạnh đó, thực hiện một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau an toàn; nuôi cá lồng bè; nuôi gà, heo an toàn sinh học... Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người của các huyện miền núi Bình Ðịnh đạt hơn 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi giảm bình quân hơn 6%/năm. Khó khăn là vậy, tỉnh Bình Ðịnh yêu cầu các địa phương không chạy theo thành tích, phải chú trọng chất lượng và tính bền vững của từng tiêu chí; lấy việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân làm căn bản.
Còn ở Phú Yên, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trương Văn Phương, 5 năm qua, Phú Yên đã dành hơn 4.170 tỷ đồng đầu tư cho phát triển miền núi. Các địa phương đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Trong đó, chương trình đường bê-tông nông thôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, với nhiều chủ trương, chính sách cụ thể. Có đường giao thông, có chợ, công trình điện cùng thiết chế văn hóa, nhà rông văn hóa và các công trình khác được xây dựng, khai thác hiệu quả làm cho đời sống vật chất, dân trí của người dân nâng lên...
Việc huy động sức dân xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH được các địa phương quan tâm; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ðinh Ngọc Dạng cho biết, địa phương xác định giao thông là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng cơ sở nên đã chú trọng đầu tư và được người dân đồng tình. Năm năm qua, tổng vốn đầu tư cho giao thông là hơn 45 tỷ đồng, trong đó cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng. Ðến nay, đối chiếu với bộ tiêu chí quốc gia, toàn bộ 10 xã của huyện đã đạt tiêu chí về giao thông.
Một trong những khó khăn lớn trong xây dựng NTM của các địa phương miền núi Nam Trung Bộ là đời sống người dân còn quá thiếu thốn, khó khăn. Chủ tịch UBND xã Sông Cầu Nguyễn Ngọc Hoa cho biết, thu nhập là tiêu chí rất khó thực hiện đối với địa phương trên lộ trình xây dựng NTM và tiến tới NTM nâng cao. Ðể giải quyết bài toán này, UBND xã đã tập trung ưu tiên các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích các mô hình sản xuất có hiệu quả như nuôi chim yến, trồng bưởi da xanh, sầu riêng, nuôi gà thả vườn... "Phải nâng cao cho được đời sống nhân dân. Bởi người dân có no đủ, khấm khá công cuộc xây dựng NTM mới có ý nghĩa", Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Hoa chia sẻ.
Theo Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Ðịnh Trần Văn Phúc, ở các địa phương miền núi, bốn tiêu chí khó đạt nhất là nhà ở dân cư; thu nhập; hộ nghèo và tổ chức sản xuất. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi khả năng huy động nguồn lực trong dân còn rất hạn chế vì xuất phát điểm thấp, đời sống của đồng bào còn khó khăn; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nhỏ. Trước những khó khăn đó, các huyện miền núi ở Bình Ðịnh đã xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện từng tiêu chí, trong đó, tập trung nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Nói về cái khó nhất hiện nay trong xây dựng NTM của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, đó là số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chưa đạt chuẩn NTM còn quá nhiều, 37 trong số 48 xã; nhiều tiêu chí đạt thấp. Nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ còn hạn hẹp, không được Trung ương hỗ trợ (do tỉnh tự cân đối ngân sách), trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng NTM là rất cao, khả năng đóng góp của người dân vùng DTTS và miền núi còn hạn chế. Thời gian qua, ngân sách của tỉnh chịu áp lực lớn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong khi các vấn đề sinh kế, đời sống của người dân ở vùng DTTS và miền núi chậm được thay đổi. Khó khăn nữa là năng lực của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế; tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt còn phổ biến; quy mô sản xuất tại các xã manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, sản lượng, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi chưa cao. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa năng động, chưa khai thác được tiềm năng, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của tỉnh.
Thực tế cho thấy, ở các địa phương miền núi Nam Trung Bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; chuyển đổi sản xuất và giảm tỷ lệ hộ nghèo là những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện các địa phương đang nỗ lực triển khai các nhóm giải pháp nhằm huy động tối đa, lồng ghép các nguồn lực vào đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn và phát triển sản xuất; đồng thời gắn chương trình xây dựng NTM với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và bảo tồn, phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống đồng bào DTTS. Do đó, cần có chính sách đột phá ưu tiên hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư cho các công trình cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào nông thôn miền núi, qua đó, tạo sự chuyển biến trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng nông nghiệp chất lượng cao.
Qua tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bên cạnh việc tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hiện nay, các địa phương miền núi khu vực Nam Trung Bộ tập trung một số giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất như: tổ chức, thúc đẩy nông hộ tham gia liên kết chuỗi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS gắn với du lịch trải nghiệm; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; kết nối doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của người dân, các hợp tác xã, làng nghề...