Nhà ở phòng, tránh lũ: “Đai an toàn” cho hành trình giảm nghèo bền vững miền Trung

Wednesday, 10/28/2020 14:16
Acronyms View with font size

Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về Lệ Thủy, huyện bị ngập lụt nặng nhất cũng là nơi nước rút muộn nhất của Quảng Bình, không khỏi bàng hoàng khi hầu hết tài sản của bà con trong vùng lũ bị nước cuốn trôi. Nhưng đáng chú ý, vẫn còn đó có hàng ngàn hộ gia đình vẫn an toàn, không những bảo vệ được tính mạng, tài sản của gia đình mà còn là nơi trú ngụ của bà con hàng xóm trong những ngày gian khó.

Mái ấm cho bà con nghèo giữa vùng lũ

Đó là những ngôi nhà được cất lên theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” từ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ hỗ trợ người nghèo ở 14 tỉnh miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Những ngôi nhà tránh lũ này một lần nữa bảo vệ tính mạng người nghèo, giúp họ có chỗ ở an toàn, góp phần giảm nghèo tránh tái nghèo vì thiên tai…

Gia đình ông Nguyễn Văn Được là một điển mình với căn nhà vượt lũ xây từ nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh Quảng Bình. Chỉ vào vạch nước ngập để lại sau khi rút, đã gần chạm sát tầng 1 của nhà mình, ông Được chia sẻ: “may nhờ nhà thiết kế có cái chòi, không có cái chòi đó không biết ngồi mô, gay rứa”.

Ngôi nhà đã giúp gia đình ông may mắn hơn nhiều hộ gia đình tại thôn Mỹ Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy lâm vào cảnh trắng tay vì tài sản bị lũ cuốn trôi.

Còn gia đình bà Dương Thị Trình, với 15 triệu đồng vay từ NHCSXH cộng với chút tiền dành dụm cất được căn nhà vượt lũ. “Có cái căn nhà này cũng may có cái chỗ bước lên mà trốn chứ, có chỗ bỏ áo quần mà đựng cái bếp, nấu cái cháo mà ăn”, bà Trình kể.

Cả thôn có 90% các gia đình có nhà bị ngập trong nước, toàn xã bị cô lập nhiều ngày. Nhà ngập thấp nhất cũng cao đến 2/3 tường, nhà cao nhất thì lút mái. Chính vì vậy,  những căn nhà chống lũ không chỉ là chỗ trú ẩn của gia đình chị còn mở cửa cho nhiều bà con thôn Mỹ Hòa, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy trú ngụ qua những ngày mưa lũ.

Ngoài những căn nhà như của ông Được, bà Trình, gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ khác ở Quảng Bình vẫn hiên ngang, kiên cố sau trận lũ lịch sử.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết, kể từ khi triển khai Quyết định số 48 đến nay, chi nhánh đã chủ dộng tiếp cận, khuyến khích các hộ nghèo xây nhà chống lũ. Đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho vay được gần 68% số hộ theo đề án.

Ở Quảng Trị, những hình ảnh ấm áp từ các ngôi nhà tránh lũ cũng có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên các địa bàn của tỉnh. Ngồi trong căn nhà khô ráo và ấm áp sau khi cơn lũ đi qua, bà Trương Thị Tình ở đội 2 Mai Xá, xã Gio Linh, huyện Gio Linh cảm thấy mình đã có quyết định đúng đắn khi vay vốn NHCSXH xây nhà tránh lũ. Với 15 triệu đồng vay NHCSXH từ năm 2015 cùng tích cóp gia đình và vay mượn đã giúp bà có căn nhà kiên cố vừa đảm bảo an toàn cho gia đình vừa giữ gìn được tài sản tích cóp từ mô hôi công sức.

Trước đó, bà Tình cũng đã vay NHCSXH để chăn nuôi lợn, mua thêm một con trâu để làm ăn thoát nghèo.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết, chi nhánh đã cho vay 1.439 hộ nghèo xây nhà tránh lũ theo Quyết định số 48. Với những hộ gia đình chính sách không có trong đề án, chi nhánh cũng đã tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ người dân xây sửa nhà mới để an cư lập nghiệp.

“Nhận thức đây là một chính sách có ý nghĩa tổng hợp về kinh tế - chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân ở khu vực miền Trung góp phần bảo đảm an sinh xã hội, có tác động tích cực đối với chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, NHCSXH đã tổ chức và triển khai tích cực ngay từ ban đầu”, ông Nguyễn Đức Đồng chia sẻ.

Với việc triển khai rộng và giám sát hiệu quả tại 14 tỉnh miền Trung, đến nay số hộ vay xây nhà theo Quyết định 48 đang còn dư nợ là 13.148 khách hàng với tổng dư nợ 192,91 tỷ đồng, trong đó, từ đầu năm 2020 đến 30/9 đã giải ngân cho 453 hộ vay với doanh số gần 6,8 tỷ đồng.

Khẩn trương gỡ nút thắt, nâng mức cho vay

Đánh giá cao chủ trương đúng đắn của Chính phủ và sự triển khai hỗ trợ quyết liệt từ phía NHCSXH, đại diện chính quyền địa phương khẳng định, trận lũ lụt lịch sử vừa qua càng cho thấy rõ tính hiệu quả của những căn nhà vượt lũ, việc xây những căn nhà này giúp các hộ nghèo yên tâm sản xuất.

“Đây là mô hình thể nhân rộng để mở rộng diện hỗ trợ nhà vượt lũ cho bà con, bảo đảm chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai”, ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy nói.

Hình ảnh bên trong nhà tránh lũ.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các địa bàn cho thấy, vẫn còn những nút thắt khiến NHCSXH chưa thể đẩy nhanh việc hỗ trợ xây nhà phòng, tránh lũ. Như việc mức hỗ trợ của ngân sách và mức cho vay của NHCSXH 15 triệu đồng quá thấp so với nhu cầu vốn cần thiết để hoàn thành một ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt, trong khi, khả năng huy động nguồn lực tự xây nhà ở của hộ nghèo còn hạn chế, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nên một bộ phận hộ nghèo không có nhu cầu làm nhà, dẫn đến kết quả thực hiện theo kế hoạch còn nhiều hạn chế.

Thậm chí ở một số địa phương kể cả khi có thêm nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà tránh lũ do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, người dân vẫn không mặn mà. Vì vậy, vốn cho vay nhà tránh lũ còn nhưng giải ngân rất chậm. Thêm vào đó, một số hộ dân đã làm nhà, nhưng sai quy định nên UBND cấp xã không xác nhận tiến độ làm nhà nên không đủ điều kiện để NHCSXH giải ngân cho vay.

Để mở rộng hơn nữa nhà tránh lũ cho người nghèo trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và gây hậu quả nghiêm trọng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài đề nghị các cơ quan làm chính sách, cùng nghiên cứu để kéo dài chương trình cho vay của hộ nghèo để xây dựng nhà ở, phòng chống bão lụt và kể cả nâng mức cho vay lên và mức hỗ trợ ngân sách nhà nước lên đồng thời cũng lên mở rộng đối tượng hộ cận nghèo cũng có thể vay để xây dựng nhà ở phòng chống bão lụt, giảm thiểu tác động của thiên tai.

NHCSXH đề nghị được kịp thời để thực hiện cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Đối với UBND các cấp cần chỉ đạo việc rà soát, xét duyệt, xác nhận đối tượng thụ hưởng kịp thời, chính xác để NHCSXH có cơ sở triển khai cho vay theo đúng quy định và đúng thời gian.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát và công tác tuyên truyền việc hỗ trợ cho vay hộ nghèo làm nhà ở của chính quyền địa phương cấp tỉnh, đặc biệt là của cấp huyện, xã để tiền hỗ trợ, tiền vay của ngân sách Nhà nước, tiền hỗ trợ của ngân sách địa phương, tiền đóng góp của cộng đồng đến đúng đối tượng thụ hưởng và nhà ở đảm bảo chất lượng. Hơn thế, là để người dân nghèo có thêm một “đai an toàn” đảm bảo con đường thoát nghèo bền vững.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)