Ban hành Chương trình hành động ngành Xây dựng triển khai Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị

Wednesday, 10/21/2020 15:15
Acronyms View with font size

Ngày 21/10/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 1369/QĐ-BXD về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng triển khai Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục đích nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của ngành Xây dựng để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ.

Yêu cầu bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp trong ngành Xây dựng theo định hướng đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng về vai trò và nội dung của chính sách công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của ngành Xây dựng. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Xây dựng nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Xây dựng trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và nâng cao năng lực quản lý ngành Xây dựng đối với phát triển công nghiệp, bảo đảm tập trung, thông suốt, hiệu quả, có phân công, phân cấp rõ ràng. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp xây dựng phù hợp với đặc trung nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể ngành Xây dựng đến năm 2030: Duy trì tỷ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung đô thị; Tỷ lệ đô thị hóa: đạt khoảng 45%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 90%; - Tổng sản lượng xi măng đạt 115-120 triệu tấn; Gạch ốp lát đạt 700-750 triệu m2; Sứ vệ sinh đạt 24-25 triệu sản phẩm;  Kính xây dựng đạt 250-270 triệu m2; Vật liệu xây dựng quy tiêu chuẩn đạt 35-40 tỷ viên.

Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW và  Nghị quyết số 124/NQ-CP đề ra, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

Về Chính sách phân bổ không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

Các Cục, Vụ tập trung thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được phân công chủ trì trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu:

- Hoàn thiện hệ thống, cơ chế chính sách và các công cụ để quản lý kiểm soát hiệu quả quá hình phát triển đô thị;

- Xây dựng và triển khai cơ chế chính sách đối với ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là công nghiệp xi măng.

Về chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên:

- Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung; sản phẩm tái chế.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chính sách phát triển sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu là chất thải, phế thải của rác thải sinh hoạt đô thị.

Về chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp:

- Nghiên cứu, đề xuất có chế chính sách ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao, công nghệ in 3D ứng dụng trong xây dựng, công nghệ nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế... đáp ứng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường.

- Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, từng bước loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp:

- Thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới; chấm dứt tình trạng ban hành và thực hiện chính sách thiếu thống nhất giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên trong việc ban hành, thực thi các chính sách trái với định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 124/NQ-CP theo các quy định của Đảng, Chính phủ và các quy định của pháp luật.

- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thống nhất trong ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng tại địa phương và trong phạm vi cả nước. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phối hợp ngành Xây dựng với các Bộ, ngành và địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

- Chú trọng nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngành Xây dựng phù hợp với những yêu cầu, nhiệm vụ mới về phát triển công nghiệp trong bối cảnh hội nhập, hiện đại hóa.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tại Sở Xây dựng các tỉnh/ Sở xây dựng các thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới phát triển công nghiệp.

- Đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm, dứt điểm các dự án công trình/ dự án công nghiệp thuộc chức năng quản lý ngành Xây dựng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả; các dự án sử dụng vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ nhiều năm gây thất thoát vốn nhà nước.

- Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ công nghiệp thuộc chức năng quản lý ngành Xây dựng; đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

- Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp công nghiệp thuộc ngành Xây dựng.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21/10/2020.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Quyết định 1369/QĐ-BXD.

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)