Nghiệm thu Dự thảo TCVN do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng thực hiện

Friday, 10/16/2020 08:38
Acronyms View with font size

Ngày 15/10/2020, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu dự thảo tiêu chuẩn “Bu lông neo – Neo trong bê tông – Yêu cầu thiết kế” (mã số TC 41-17) do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) chủ trì thực hiện. TS. Lê Minh Long –Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Tại Hội đồng, thay mặt nhóm biên soạn,TS. Nguyễn Đại Minh đã trình bày sự cần thiết và những nội dung cơ bản của dự thảo tiêu chuẩn. Theo đó, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có tiêu chuẩn TCVN 5575:2012 “Kết cấu thép – Tiêu chuẩn thiết kế” có các nội dung liên quan tới thiết kế kết cấu thép và TCVN 5574:2012 về kết cấu bê tông cốt thép, mà chưa có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hàng hóa đối với bu lông neo. Hiện nay cũng chưa có tiêu chuẩn về các yêu cầu cấu tạo, tính toán thiết kế đối với neo hay liên kết kết cấu và thiết bị với móng bê tông thông qua bu lông neo, mặc dù loại neo này được sử dụng rất nhiều trong các công trình công nghiệp hay hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy việc biên soạn tiêu chuẩn “Bu lông neo – Neo trong bê tông – Yêu cầu thiết kế” có ý nghĩa thực tiễn và rất cần thiết.

Tiêu chuẩn được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn Mỹ ACI 318M-11-Phụ lục D “Neo trong bê tông”. Nội dung của tiêu chuẩn gốc về cơ bản được giữ nguyên; bên cạnh đó, dự thảo TCVN đã bổ sung phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, thuật ngữ và định nghĩa, đơn vị đo và ký hiệu; lược bỏ một số quy định không phù hợp điều kiện của Việt Nam.

Tiêu chuẩn được áp dụng để tính toán, thiết kế các loại bu lông neo dùng để neo các kết cấu, cấu kiện và thiết bị với kết cấu chịu lực hoặc giữa các kết cấu, cấu kiện với nhau; bu lông neo dùng để truyền lực kéo, lực nhổ, lực cắt giữa các kết cấu, cấu kiện, thiết bị với kết cấu, kết cấu chịu lực. Các loại bu lông neo sử dụng trong tiêu chuẩn này gồm bu lông neo đặt trước, bu lông neo đặt sau. Trong đó, bu lông neo đặt sau gồm có bu lông nở, bu lông khía dưới và bu lông hóa chất. Đối với trường hợp bu lông neo phải chịu tải trọng va đập hoặc tải trọng lặp, mỏi có giá trị lớn, cần có tính toán, thiết kế riêng.

Theo nhận xét của các thành viên Hội đồng, dự thảo tiêu chuẩn được biên soạn có đầy đủ các nội dung về yêu cầu kỹ thuật chung, kích thước và cấu tạo, hướng dẫn tính toán thiết kế…, đáp ứng được việc thiết kế bu lông neo trước khi đổ bê tông, bu lông neo sau khi kết cấu đã hoàn thiện. Các phụ lục A, B, C được xây dựng sẽ giúp việc áp dụng tiêu chuẩn dễ dàng hơn trong điều kiện Việt Nam.

Dự thảo tiêu chuẩn TCVN “Bu lông neo – Neo trong bê tông – Yêu cầu thiết kế” đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, đạt loại Xuất sắc.

Ninh Hoàng Hạnh

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)