Thừa Thiên Huế: “Thay áo mới” cho đô thị trung tâm

Thursday, 10/15/2020 13:41
Acronyms View with font size

Huế đẹp lên từng ngày. Đó là cảm nhận của người dân và du khách khi không gian hai bờ sông Hương, các tuyến đường trung tâm và khu vực di tích Kinh thành Huế đang dần phong quang, thoáng đãng từ công tác di dời và chỉnh trang đô thị.

Lãnh đạo tỉnh và TP. Huế thị sát tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hương để định hướng chỉnh trang

Điểm nhấn hai bờ sông Hương

Sau khi đưa vào hoạt động đầu năm 2019, cầu gỗ lim trở thành điểm đến hấp dẫn, cùng với đường đi bộ dọc sông Hương đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền trở thành điểm “check-in” mới không thể thiếu của du khách khi đến Huế.

Từ điểm nhấn cầu gỗ lim, thành phố tiếp tục triển khai nhiều dự án (DA) chỉnh trang khu vực hai bờ sông Hương, gồm hai tuyến đường đi bộ bờ Nam đến bờ Bắc, các công viên, điểm xanh dọc hai bờ sông đồng bộ, làm thay đổi bộ mặt mỹ quan đô thị Huế và tạo thêm điểm vui chơi giải trí cho người dân, du khách.

Cùng với không gian hai bờ sông Hương, thời gian qua, thành phố tập trung chỉnh trang các tuyến đường ảnh hưởng DA Cải thiện môi trường nước, như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn…; triển khai DA Green City, bao gồm hệ thống thoát nước, vỉa hè các tuyến đường khu vực Kinh thành Huế; các tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Bùi Thị Xuân (đoạn từ cầu Long Thọ đến đình làng Lương Quán).

Sau gần 2 năm triển khai công tác di dời dân cư ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế và đầu tư hạ tầng khu dân cư Bắc Hương Sơ, đến nay, thành phố đã hoàn tất công tác di dân khu vực Thượng Thành. Gần 500 hộ dân đã “an cư” trên đất mới và các hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà với phương thức “chìa khóa trao tay”; tiếp tục triển khai di dời khu vực Eo Bầu, Hộ Thành hào, Tuyến phòng lộ… Đây là cuộc di dân lịch sử, đảm bảo chính sách bồi thường, hỗ trợ đúng theo khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy định hiện hành.

Tăng cường tiện ích đô thị

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, hạ tầng khu vực hai bờ sông Hương và các tuyến đường trung tâm đang dần hoàn thiện, thành phố tiếp tục đầu tư các tiện ích đô thị theo hình thức xã hội hóa tại các công viên dọc hai bờ sông, nghiên cứu, đưa các tiện ích vào công viên, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách. Sắp tới, thành phố sẽ phát triển thêm DA xe đạp phục vụ nhu cầu đi dạo trong các công viên và đường đi bộ dọc hai bờ sông; chỉnh trang các trạm xe buýt theo hướng hiện đại và thay thế dần các biển quảng cáo ngoài trời bằng hệ thống màn hình LED hiện đại, thân thiện môi trường.

Công viên Phú Xuân đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Dã Viên đang xây dựng các trục đường nối các trục phía trong Cửa Ngăn, Cửa Quảng Đức, Nhà Đồ, tạo tuyến đường liên thông từ các di tích đến khu vực dọc hai bờ sông Hương (HBSH). Khu vực Bến Me được tập trung chỉnh trang và xây dựng các điểm tắm cộng đồng với hệ thống các điểm đỗ xe nhỏ dành cho khách du lịch. Khu vực chợ Đông Ba phía bờ sông sẽ được sắp xếp, chỉnh trang, vệ sinh môi trường với mục tiêu đưa mặt tiền chính chợ Đông Ba hướng ra sông Hương, đồng thời chỉnh trang khu vực chợ phía đường Trần Hưng Đạo, tạo sự khang trang, đồng bộ.

Việc vận hành, đưa vào sử dụng mạng lưới kết nối đường đi bộ dọc sông Hương, chỉnh trang các tuyến đường trung tâm và đầu tư thêm tiện ích đô thị từng bước thực hiện các đề án của tỉnh, như: “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Xanh - Sạch- Sáng” hướng tới thêm tiêu chí sang trọng và thông minh. Sắp tới, thành phố tiếp tục tăng cường hệ thống chiếu sáng khu vực 2 bờ sông đảm bảo độ sáng phù hợp, thay đổi màu sắc trong chiếu sáng công viên hướng đến tiêu chí đồng bộ, sang trọng, lấy màu vàng và màu trắng làm màu chủ đạo; triển khai trồng hoa bốn mùa dọc hai bờ sông và kết nối đường đi bộ kết hợp xe đạp kéo dài phần tiếp giáp sông Hương còn lại, đoạn từ cầu Dã Viên đến chùa Linh Mụ.

Hoàn thiện hạ tầng

5 năm tới, thành phố tập trung phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị hướng biển. Trong đó, quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với mở rộng địa giới TP. Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ông Hoàng Hải Minh cho rằng, những năm qua, thành phố tập trung chỉnh trang không gian HBSH, các cụm di tích và các tuyến đường ảnh hưởng bởi DA Cải thiện môi trường nước; bắt đầu từ mặt đường, vỉa hè, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng và không gian vui chơi giải trí cho người dân. Cùng với chỉnh trang đô thị, phát huy phong trào Ngày Chủ nhật xanh, thành phố huy động nhân lực triển khai chương trình dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt là chỉnh trang khu vực Thượng thành, trả lại mặt bằng sạch cho di tích Kinh thành Huế.

Thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện các DA lớn nhằm hoàn thiện khu vực lõi phía Nam, dự kiến tháng 10/2020 sẽ khởi công DA nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội và DA cầu chui đường sắt Bắc - Nam tại đường Bùi Thị Xuân; tập trung cho tuyến đường đi bộ và kè dọc hai bờ sông Hương, đoạn từ cầu Dã Viên đến chùa Linh Mụ.

Năm 2021, tiếp tục khởi công tuyến đường phía sau đường Bùi Thị Xuân, đường đi bộ dọc sông Hương, tạo nên tuyến đường đi bộ thông suốt từ chùa Linh Mụ đến khu vực chợ Đông Ba; đồng thời, từng bước tạo tuyến đường đi bộ - đạp xe hai bên bờ sông kết nối khu vực Thủy Biều với đồi Vọng Cảnh.

Thành phố tiếp tục triển khai 5 DA quan trọng, đó là chỉnh trang các khu vực hai bờ sông Hương, di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế, DA phát triển đô thị tăng trưởng xanh, nâng cấp hạ tầng đô thị gắn với xây dựng phố đêm- phố đi bộ và nghiên cứu DA Cải thiện môi trường nước khu vực Bắc sông Hương.

Source: Báo Thừa Thiên Huế

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)