Thừa Thiên Huế: Phát triển sản xuất cát nhân tạo từ nguồn vật liệu có sẵn

Friday, 09/25/2020 14:53
Acronyms View with font size

Việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp cát tự nhiên khai thác từ lòng sông như hiện nay, hướng đến chấm dứt khai thác cát trên tất cả các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Phát triển sản xuất cát nhân tạo từ nguồn vật liệu có sẵn thay thế cát lòng sông và công bố hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế vừa tổ chức tại TP. Huế.

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Việc ứng dụng khoa học và công nghệ để sản xuất cát nghiền nhân tạo bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, công khai các thông tin về hợp chuẩn, hợp quy, nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên thị trường là cần thiết, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng, môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao hiệu quả cạnh tranh và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của địa phương.

“Việc phát triển sản xuất cát nhân tạo từ nguồn vật liệu có sẵn thay thế cát lòng sông và công bố hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tăng cường kiểm tra nhà nước về chất lượng vật liệu xây dựng, hạn chế hàng hóa kém chất lượng, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Cát tự nhiên là tài nguyên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt khi khai thác, sử dụng quá mức, do vậy việc xác định lộ trình thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nghiền nhân tạo nhằm bổ sung, thay thế dần cát xây dựng tự nhiên là hết sức cần thiết. Việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp cát tự nhiên khai thác từ lòng sông như hiện nay, hướng đến chấm dứt khai thác cát trên tất cả các sông trên địa bàn tỉnh.


Ông Định cho biết thêm, thời gian gần đây tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp, có nhiều hộ gia đình sử dụng thuyền nhỏ khai thác bằng phương thức lặn xúc, gàu xúc tay và sử dụng thiết bị cơ giới nhỏ. Ngoài ra, còn có một số cá nhân, tổ chức còn khai thác cát, sỏi bằng máy hút, tàu cuốc khai thác trên phạm vi sông Hương, sông Bồ vào đêm khuya đến rạng sáng và bất chấp sự ngăn cản của chính quyền và các ngành chức năng.

Việc khai thác cát quá mức quy định dẫn đến sự khan hiếm nguồn khoáng sản tự nhiên

Với bối cảnh hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép nêu trên và để kịp thời chấn chỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, các sở ban ngành tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông. Qua đó, đã phát hiện và xử lý hơn 400 trường hợp vi phạm trong hoạt động khoáng sản (cát, sỏi) trên tuyến sông Hương và sông Bồ đoạn chảy qua địa phận các xã, phường trên địa bàn tỉnh.

"Việc khai thác cát quá mức quy định dẫn đến sự khan hiếm nguồn khoáng sản tự nhiên này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu triển khai áp dụng cát nhân tạo trong các công trình sử dụng vốn nhà nước. Đây không phải là vật liệu mới xuất hiện, mà đã được nghiên cứu và đưa vào xây dựng tại một số nước trên thế giới cách đây 40 năm", ông Định nhấn mạnh.

Được biết, tại Việt Nam, sự khan hiếm và đắt đỏ của cát thật khiến cát nhân tạo đang dần được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay cả nước có khoảng 50 nhà máy sản xuất cát nhân tạo, đưa ra thị trường 20 triệu tấn/năm nhưng người tiêu dùng Việt còn chưa thực sự hiểu rõ về ưu nhược điểm, nhà sản xuất và phân phối.

Source: Congthuong.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)