Khu công nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu

Friday, 07/31/2020 14:25
Acronyms View with font size

“Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh, do đó, khu công nghiệp (KCN) thông minh ra đời là tất yếu và trở thành sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp (DN)”.

Các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ thông tin tại Ngày hội Doanh nghiệp công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo TP Hồ Chí Minh năm 2019.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại chuỗi hội thảo “KCN thông minh” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố (HEPZA), Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng tổ chức, ngày 30-7.

Chuỗi hội thảo được tổ chức với mục đích xúc tiến đầu tư ngành CNTT theo định hướng chung của TP Hồ Chí Minh, phát triển các KCN, khu chế xuất (KCX) theo mô hình KCN thông minh, đáp ứng xu thế chung của cuộc CMCN 4.0. Chuỗi hội thảo cũng là cơ hội để kết nối, giúp các DN hoạt động trong các KCN, KCX có cơ hội tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ nhằm cải tiến hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển theo hình mẫu thông minh, đáp ứng xu thế phát triển nhanh chóng của Việt Nam và thế giới.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, QTSC đã và đang triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Công viên phần mềm Quang Trung, với ba mục tiêu chính, đó là: Nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu. Qua đó, hiệu quả mang lại rất đáng ghi nhận, như: Giảm tối đa thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ hai ngày (tương đương 2.880 phút) xuống còn hai phút. Giảm chi phí chuyển thông tin cho khách hàng từ 15.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/khách hàng.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT còn giúp quản lý, truy xuất dữ liệu của từng mảng hạ tầng riêng biệt trên cùng mộgt ứng dụng một cách dễ dàng, tăng hiệu quả phối hợp công việc giữa các bộ phận và dễ dàng chia sẻ thông tin, hỗ trợ thống kê, báo cáo số liệu một cách tức thời. Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh tại QTSC, nhờ việc ứng dung CNTT đã tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ, quản lý thời gian thực trạng thái đèn, điều khiển chiếu sáng theo lập lịch và tự động và cảnh báo ngay tức thời khi có sự cố...

Cũng theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, việc xây dựng mô hình đô thị thông minh tại QTSC đã mang lại năm kết quả tiêu biểu: Nâng cao lợi thế cạnh tranh; hoàn thiện chất lượng dịch vụ; tăng cường năng lực quản trị nội bộ; gia tăng sự hài lòng của khách hàng và tạo ra môi trường thử nghiệm công nghệ cho cộng đồng. Thời gian tới, QTSC tiếp tục triển khai theo hướng tối ưu hóa các kết quả hiện có, triển khai các ứng dụng mở rộng, tích hợp dữ liệu cùng một nền tảng và xây dựng nền tảng mở cho các bên thứ ba khai thác.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, chuỗi sự kiện này nằm trong một loạt những hoạt động thiết thực của ITPC, mang lại giá trị tích cực, lan tỏa và khơi dậy các ý tưởng, phát huy tiềm năng nhằm thúc đẩy các KCN/KCX cũng như DN trên địa bàn thành phố tiến gần hơn tới nền kinh tế 4.0 trên con đường phát triển của mình. Với tính tiện ích và hiệu quả cao, CNTT được xem là chìa khóa, là công cụ đắc lực trong việc tạo ra lợi thế trong cạnh tranh sản xuất.

Trong đó, việc xây dựng hệ thống các KCN, KCX thông minh thông qua việc ứng dụng các sản phẩm CNTT trong việc vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và được chính quyền thành phố khuyến khích thực hiện. Công nghệ thông tin có sức mạnh thay đổi cục diện của một nền sản xuất, kinh doanh khi mọi thứ đều tự động hóa sẽ giúp lãnh đạo các KCN, KCX và chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh. Từ đó, hạn chế sự phụ thuộc vào nhân công và giảm thiểu các sai sót mang tính chất con người.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, đã thúc đẩy CNTT phát triển mạnh để kết hợp với sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, do đó, các DN Việt Nam cần tận dụng thời cơ không thể trì hoãn này để ứng dụng CNTT, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh trong giai đoạn mới.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)