TP Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số

Thursday, 07/23/2020 14:11
Acronyms View with font size

Theo tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 22/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Công bố Chương trình chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng với Thành phố. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 trong Chương trình, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố; kinh tế số chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
 
Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
 
Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%...
 
Thành phố sẽ triển khai các giải pháp về đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp thành phố; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin…
 
Thành phố cũng xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số với các nhóm đối tượng, lĩnh vực cụ thể; thực hiện chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực…

Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc công bố Chương trình chuyển đổi số phản ánh Thành phố chọn con đường phát triển nhanh hơn dựa trên trí tuệ con người, phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.

Thành phố tin vào lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, các trường đại học, viện nghiên cứu.

Đại hội Đảng bộ Thành phố sắp tới có chương trình đột phá về nhân lực và văn hóa, trong đó nhánh đào tạo nhân lực 8 lĩnh vực đạt trình độ quốc tế có công nghệ thông tin-truyền thông và trí tuệ nhân tạo; xác định sản phẩm công nghệ thông tin là nhóm sản phẩm chủ lực.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, chính quyền thành phố nghiên cứu hình thành trung tâm giới thiệu sản phẩm tư vấn, triển khai dịch vụ số hóa và phát triển các sản phẩm thông minh.

Doanh nghiệp có thể mang sản phẩm đến trình diễn theo chủ đề từng lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, môi trường… Ngoài ra, Thành phố cần có đánh giá về chi cho công nghệ thông tin và tính hiệu quả thời gian qua; đồng thời hướng tới mục tiêu tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong hưởng ứng và triển khai - mở đường trong đề án Chuyển đổi số quốc gia.

Mấu chốt quan trọng để chuyển đổi số thành công là cần sự thay đổi trong nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu các đơn vị. Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số liên quan đến chuyển đổi mô hình, quản trị, mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động, vận hành và nên bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể, nằm trong khả năng, trong tầm tay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thành phố Hồ Chí Minh cần chi tiêu nhiều hơn cho chuyển đổi số, bởi hiện tại Thành phố mới chi 0,4% ngân sách cho công nghệ thông tin, trong đó có chuyển đổi số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết, đồng hành hỗ trợ các nguồn lực cho thành phố phát triển chuyển đổi số và cũng mong các địa phương tiếp nối thành phố trong vấn đề này.

Tiếp thu những ý kiến góp ý tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt để đưa Chương trình chuyển đổi số hoàn thành nhanh nhất, đưa chương trình này thành thành tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép hiện nay.

Đối với kinh tế số, Thành phố sẽ tập trung 10 lĩnh vực trọng tâm là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tào nguồn nhân lực. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Để Chương trình triển khai nhanh chóng, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và đơn vị phải hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực phụ trách trước ngày 15/8. Các đơn vị lập danh mục các công trình, dự án thực hiện Chương trình để Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban Nhân dân thành phố bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA), cho biết Hội sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các hiệp hội ngành nghề để kết nối cung cầu, xây dựng hệ sinh thái đối tác cho hoạt động chuyển đổi số.

Hội sẽ hoàn thành bộ danh mục sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và các chương trình lớn của thành phố ngay trong tháng 7/2020. Bộ tài liệu này được chia thành các nhóm lĩnh vực ngành nghề, kinh tế.

Hội cũng sẽ thành lập câu lạc bộ chuyên gia chuyển đổi số để chia sẻ các thông tin tư vấn, phản biện, đánh giá các sản phẩm phù hợp cho các nhóm doanh nghiệp ứng dụng.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cũng kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần có chương trình mỗi xã, phường có một ứng dụng công nghệ thông tin tiêu biểu dựa trên các tiêu chí đánh giá rõ ràng, ưu tiên các lĩnh vực phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, các tổng công ty, doanh nghiệp thuộc thành phố cần sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học công nghệ dành cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị Thành phố có những hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như đảm bảo hạ tầng, an ninh, nguồn tài nguyên số ngày càng phong phú; đồng bộ môi trường pháp lý đảm bảo cho quá trình kinh doanh, giao dịch trên môi trường nền tảng số được thuận lợi.

Việc này sẽ củng cố niềm tin của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó, chính phủ điện tử, chính phủ số cần đẩy mạnh, tiên phong để trở thành lực kéo và sức hút cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Cũng tại hội nghị, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố nhằm kết nối các cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu liệu quốc gia. Nền tảng này giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp; giảm nguy cơ đầu tư trùng lắp vì xác định rõ được các thành phần, hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử./.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)