Xây dựng nông thôn mới từ một huyện thuần nông

Friday, 06/26/2020 14:30
Acronyms View with font size

Từ xuất phát điểm là một huyện thuần nông với nhiều khó khăn, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Châu Thành đã vươn lên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An.

Có được kết quả đó là nhờ sự quyết tâm nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Đường giao thông nông thôn xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được bê tông, trải nhựa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Đến Châu Thành ngày nay, có thể nhận thấy rõ nét sự thay da đổi thịt của một vùng quê nghèo. Trên con đường nhựa thẳng tắp rộng 4 làn xe từ thành phố Tân An về trung tâm huyện, dễ dàng bắt gặp những căn biệt thự khang trang, bề thế của người dân hay những khu dân cư đông đúc, nhộn nhịp với đầy đủ các dịch vụ thiết yếu.

Từ trung tâm huyện vào các xã, ấp, những con đường đều được trải nhựa hoặc đổ bê tông kiên cố. Hai bên lề luôn được trang điểm thêm những hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng hoặc trồng hoa rực rỡ. Người dân không còn phải chịu cảnh đi trên những con đường bùn lấy, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng thuận tiện hơn.

Ông Lê Ngọc Xinh (70 tuổi, ngụ xã Thanh Phú Long, Châu Thành) tự hào chia sẻ, ở miền quê ông sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao. Hầu hết nhà cửa của người dân được xây sửa khang trang, thậm chí nhà lầu, biệt thự không thiếu.

Những con đường trong huyện hầu hết được trải nhựa, trong ấp cũng là đường bê tông rộng hơn 3m, sáng trưng dưới ánh điện vào ban đêm.

Theo ông Nguyễn Văn Thình, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, trước năm 2010, Châu Thành là huyện thuần nông độc canh cây lúa, việc canh tác chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường và nước mặn nên hiệu quả không cao. Đời sống người dân lúc đó rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 22 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2011 - 2019, huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách mạnh mẽ với việc chọn cây thanh long làm cây trồng chủ lực. Toàn huyện đã chuyển đổi hơn 7.500 ha đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây thanh long, nâng tổng diện tích trồng thanh long hiện có trên địa bàn lên trên 8.700 ha.

Sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá trị trái thanh long thông qua các giải pháp như phát triển vùng trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao, thực hiện các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Qua đó, nền kinh tế của huyện đã có sự phát triển vượt bậc, tốc độ tăng bình quân đạt 8,1% giai đoạn 2011 - 2019; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đạt mức  65,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019) và thuộc vào nhóm những huyện có mức thu nhập cao nhất của tỉnh Long An. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 4,66% năm 2011 xuống chỉ còn 1,05% năm 2019.

Việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi đúng hướng đã giúp nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, góp phần quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Văn Sài (ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) khẳng định, việc trồng và kinh doanh thanh long đã thay đổi đáng kể đời sống người dân và bộ mặt nông thôn của huyện. Những hộ có diện tích lớn có thể thu về cả chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh thu mua xuất khẩu cũng được thành lập nhằm giúp trái thanh long của huyện tiêu thụ ổn định hơn, góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Chia sẻ về quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành – Nguyễn Văn Thình cho biết, ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo thực hiện theo mô hình “xã điểm trước” và chọn 3 xã là Dương Xuân Hội, Hòa Phú và Bình Quới làm xã điểm. Sau 3 năm thực hiện, đến năm 2013, cả 3 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ thành công đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương tổ chức rút kinh nghiệm để làm cơ sở quan trọng triển khai đồng loạt ở những xã còn lại.

Việc đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng, thiết chế xã hội vùng nông thôn như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học… được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rầm rộ, đạt hiệu quả cao, đi vào thực chất. Qua tuyên truyền, nhận thức về xây dựng nông thôn mới trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên, tạo được sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng nông thôn mới. Người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình và chủ động tham gia tích cực, thực hiện xây dựng nông thôn mới

Thể hiện rõ nhất là trong tổng số gần 1.800 tỷ đồng được huy động để xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 -2019, nhân dân huyện Châu Thành đã đóng góp trên 550 tỷ đồng, gồm tiền mặt, tài sản và đất đai. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đã đóng góp 182,6 tỷ đồng tiền mặt và hiến đất với giá trị khoảng 80 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa hơn 287km đường giao thông.

Nhờ đó, đến nay Châu Thành đã có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đã được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An vào tháng 5 vừa qua.

Diện mạo nông thôn Châu Thành ngày càng đổi mới, đời sống vật chất tinh thần người dân không ngừng cải thiện và nâng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của nhân dân.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập người dân.

Dù vậy, cán bộ lãnh đạo huyện luôn nhận thức đây chỉ mới là kết quả bước đầu, huyện vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, phấn đấu để tất cả xã đều đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Thình, cho biết, huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, tất cả các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để làm được điều này, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế  theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh, tổ chức liên kết chặt chẽ theo chuẩn giá trị. Đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục đầu tư có trọng tâm để nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, việc tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục được chú trọng thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)