Đông Anh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

Monday, 06/08/2020 16:41
Acronyms View with font size

Thực hiện đề án xây dựng thành quận vào năm 2020, huyện Đông Anh đang tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng xã nông thôn mới (NTM) điển hình, tiên tiến gắn với phát triển đô thị. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ xây dựng NTM của huyện đang bị ảnh hưởng. Để hoàn thành mục tiêu của năm 2020, huyện đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.

Hợp tác xã nông nghiệp Ba Chữ (Đông Anh) sản xuất rau sạch.

Để đạt được mục tiêu trở thành quận trong năm 2020, từ đầu năm đến nay, cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, huyện Ðông Anh đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo UBND các xã căn cứ thực tế để lập kế hoạch sản xuất phù hợp. Cùng với những chỉ đạo cụ thể cho từng thời điểm sát tình hình, huyện cũng bố trí thường xuyên từ 20 đến 25 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ thóc giống mới, nguyên chủng; giống thủy sản chất lượng cao; mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... Ðồng thời, mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô một số nghề như: Sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép và cơ khí, tập trung tại các xã: Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm... Ðã xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gỗ mỹ nghệ Vân Hà". Các nghề khác như: Làm tương, đậu phụ, bún, bánh chưng, bánh kẹo, giò chả, may mặc... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong và ngoài huyện.

Nhờ gắn kết giữa xây dựng NTM với phòng, chống dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đã có những khởi sắc, nhiều sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã được đưa đến tay người tiêu dùng trong huyện và thành phố, bảo đảm đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế địa phương. Theo ghi nhận của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thu nhập của người dân đã tăng nhanh, từ 43 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 60 triệu đồng/người/năm (năm 2020).

Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Ðông Anh Phạm Ðức Trọng cho biết, đến nay huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất. Trên cơ sở khảo sát, UBND huyện đang cùng đơn vị tư vấn xây dựng đề án OCOP giai đoạn 2020 - 2025, dự kiến trình HÐND huyện thông qua trong tháng 6.

Huyện Ðông Anh có những cách làm riêng để vực dậy nền kinh tế, trong đó chú trọng nguồn lực từ cơ sở. Hợp tác xã (HTX) Ba Chữ được xem là một thành công cho sự phát triển kinh tế tập thể tại Ðông Anh. Thành lập năm 2016, HTX Ba Chữ hoạt động theo mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh với khoảng 35 ha, cung cấp khoảng 30 loại rau, củ, quả cho các công ty, trường học, chung cư, siêu thị trên địa bàn thành phố. Có thời kỳ, lượng hàng giao dịch của HTX lên đến gần chục tấn/ngày, thời điểm thấp nhất cũng là 5 đến 6 tấn/ngày. Giám đốc HTX Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: Ðể duy trì thu nhập cho xã viên đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, ngoài khuyến cáo giảm diện tích sản xuất, HTX tăng cường tuyên truyền để xã viên tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn. Tính đến thời điểm hiện tại, HTX Ba Chữ đã áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã chống hàng giả giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Không chỉ hướng đến những sản phẩm an toàn, HTX Ba Chữ còn mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP với mặt hàng rau cải xanh đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Thiềng, chương trình OCOP tại huyện Ðông Anh có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực; gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, thời gian qua, huyện đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2-8-2019; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giới thiệu các nội dung thuộc Chương trình OCOP với 131 sản phẩm. Ðồng thời, tổ chức đánh giá, xếp hạng cho 20 sản phẩm và đã có hai sản phẩm được TP Hà Nội đánh giá, xếp hạng 4 sao là Long Mã và đậu Dafusa; 18 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 3 sao.

Trọng tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua chương trình OCOP cho thấy đây là hướng đi đúng và trúng của huyện Ðông Anh trong khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, để không làm gián đoạn mục tiêu xây dựng NTM theo chuẩn đô thị. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, nhận thức về trách nhiệm và sự vào cuộc của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt, nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định thực hiện Chương trình cho nên nhiều chỉ tiêu mục tiêu kế hoạch quý I-2020 chưa hoàn thành.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)