Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi

Tuesday, 05/12/2020 14:17
Acronyms View with font size

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Ngãi đạt kết quả còn khiêm tốn so với bình quân chung của cả nước, nhưng những bài học rút ra từ thực tiễn là cơ sở để các địa phương trong tỉnh đưa ra định hướng, giải pháp sát với tình hình thực tế nhằm tiếp tục hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững.

Nhiều vùng nông thôn ở Quảng Ngãi đã đổi thay, ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Năm 2011 khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đều có xuất phát điểm thấp, nhu cầu đầu tư hạ tầng thiết yếu lớn trong khi nguồn lực có hạn, phần lớn người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không đáng kể. Xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân cho nên bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng quê trong tỉnh đổi thay từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao. Đến nay, toàn tỉnh có một đơn vị cấp huyện là huyện Nghĩa Hành được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Tư Nghĩa đã đạt đủ chín tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019; 83 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 12 khu dân cư kiểu mẫu. Trong bốn năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng từ 19,29 triệu đồng/năm lên gần 28 triệu đồng/năm, toàn tỉnh giảm hơn 23.800 hộ nghèo.

Để có được kết quả trên, ngoài nguồn vốn ngân sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, với tổng số vốn giai đoạn 2016 - 2019 lên đến hơn 9.270 tỷ đồng, gấp 1,46 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Thông qua phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trên khắp các vùng nông thôn. Mặt trận các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình, công trình thiết thực góp phần động viên cộng đồng dân cư đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đó, tạo sự đồng thuận, khuyến khích người dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng NTM bằng các công việc cụ thể như: Hiến đất làm đường, kênh mương, xây dựng các công trình công cộng, phá dỡ tường rào cổng ngõ, chặt hạ cây cối hoa màu để mở rộng, nắn thẳng đường giao thông và góp công, góp của để cứng hóa đường thôn, ngõ xóm, thắp sáng đường quê, làm vệ sinh môi trường… với tổng số tiền hơn 467,5 tỷ đồng.

Bây giờ về xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Từ vùng đất nghèo khó, Bình Dương trở thành xã có điều kiện kinh tế tương đối phát triển, là xã đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương Lê Minh Chính nhớ lại: Tuy được công nhận NTM nhưng lúc đó nhiều tiêu chí mới chạm ngưỡng, thu nhập của người dân còn bấp bênh. Đảng bộ, chính quyền xã Bình Dương nhận thấy phấn đấu đạt chuẩn NTM đã khó, nhưng giữ và nâng chuẩn càng khó hơn. Từ đó, xác định mục tiêu xây dựng NTM là cuộc cách mạng lâu dài không có điểm dừng. Từ sự huy động, tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực, sự đồng thuận của người dân cùng bàn bạc mức tự nguyện đóng góp xây dựng NTM với số tiền hàng chục tỷ đồng cho nên đến nay, 99% đường giao thông đã được bê-tông hóa, tất cả các đường trục nội đồng được cứng hóa tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển nông sản. Bình Dương cũng là xã đi đầu hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng với toàn bộ 356 ha đất sản xuất nông nghiệp, đã tạo thuận lợi cho nông dân chuyển đổi 150 ha đất lúa sang các loại cây trồng khác, cho hiệu quả kinh tế từ 300 đến 400 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Ông Huỳnh Tiến Tâm, người dân thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương nói: “Từ một làng quê nghèo, đến nay xã Bình Dương được khoác áo mới, giao thông thuận tiện, đời sống người dân ngày càng no đủ, nhiều nhà sắm được ô-tô, tình làng nghĩa xóm càng gắn chặt”.

Có thể nói, phong trào thi đua xây dựng NTM đang diễn ra rộng khắp tỉnh Quảng Ngãi, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa vừa đưa vào sử dụng con đường bê-tông rộng hơn 4m thay cho con đường mòn nhỏ hẹp, bùn lầy trước kia. Khi bắt đầu làm đường, dù cuộc sống còn bộn bề lo toan nhưng gia đình ông Bùi Tấn Dũng đã tiên phong hiến hơn 600 m2 đất. Việc làm ý nghĩa của ông Dũng tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Từ đó, các hộ dân hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài nên đồng lòng hiến đất mở đường. “Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng NTM, người dân đều đồng tình ủng hộ. Gia đình tôi thiệt đi một số diện tích đất nhưng bù lại có con đường bê-tông đi lại rất thuận tiện, cuộc sống văn minh hơn”, ông Dũng cho biết.

Tại huyện miền núi Sơn Hà, suốt nhiều năm qua, hình ảnh đồng chí Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các cán bộ ngày đêm bám làng, bám bản đã trở nên thân quen với người dân. Sự tận tâm, tận lực của những cán bộ nhiệt huyết với công việc đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số H’re biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác cùng khai thác các sản vật của địa phương để tạo ra giá trị nông sản khác biệt, nâng cao thu nhập. Từ chỗ chỉ có vài sản phẩm như rau dớn, ớt xiêm rừng, bắp chuối rừng, đến nay nông dân huyện Sơn Hà đã cung ứng cho hệ thống siêu thị Big C khoảng 16 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng với doanh thu mỗi năm hơn sáu tỷ đồng. Theo đồng chí Phùng Tô Long, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cũng chính là lợi thế của huyện để phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng NTM.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính nhìn nhận: Chương trình mục tiêu xây dựng NTM ở Quảng Ngãi tuy đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, song so với mặt bằng chung của cả nước kết quả còn thấp. Do vậy, cần rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, tâm huyết, sâu sát thì mới mang lại kết quả cao. Phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành, phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền các cấp để tạo ra sức mạnh sáng tạo ở mỗi địa phương. Thực tế cho thấy, ở những nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thật sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết liệt sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Phải coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là cấp xã. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, sát đúng, kịp thời, thể hiện rõ và bảo đảm được quyền quyết định chủ thể là người dân. Vấn đề có tính chất cốt lõi, quyết định tính bền vững đối với chương trình xây dựng NTM là phải xem trọng nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hiện nay góp phần huy động được nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp cho xây dựng NTM.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)