Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”

Sunday, 05/10/2020 08:12
Acronyms View with font size

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” diễn ra ngày 9/5/2020 thu hút hơn 800.000 doanh nghiệp cùng 5 triệu hộ kinh doanh tham gia. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 96 điểm cầu và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, nhằm tăng cường sự tương tác, kết nối giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Tại điểm cầu trực tuyến Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm, theo dõi hội nghị và tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch mang tên COVID-19 gây ra. Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Thủ tướng nhắc lại, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, cuộc sống xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra. Với tinh thần đó, chúng ta phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số toàn quốc gần 100 triệu người.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, phải xắn tay vào cuộc, các địa phương phải trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những ý kiến, đề xuất tại hội nghị phải nêu rõ được những hỗ trợ, chính sách nào, giải pháp mới mẻ đối với doanh nghiệp; cán bộ, công chức phải được quản lý tốt, chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: Phát huy mạnh mẽ tình yêu Tổ quốc (vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ); đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau; không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc; năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau; cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Hình ảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ Xây dựng 

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Trong khó khăn ấy, nhiều tấm gương nhân ái chia sẻ thật là vĩ đại, doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ít, nhiều hộ cá thể sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo trong lúc dịch bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, các giải pháp Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như gia hạn nộp thuế, ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ người lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp đã được triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Các ngành chức năng đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp biến khó khăn thành cơ hội thông qua củng cố nội lực, đặc biệt là trong chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ; nâng cao trình độ người lao động; nâng cấp chiến lược kinh doanh, tăng cường liên kết sức mạnh, tạo chuỗi giá trị mới, bền vững; củng cố và mở rộng thị trường; nâng cao năng lực chống đỡ trước những thay đổi bất thường của môi trường kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới cần huy động các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn thực hiện vai trò dẫn dắt, mở đường trong sản xuất ngành, lĩnh vực mới để đáp ứng yêu cầu này; tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp mũi nhọn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy thị trường bất động sản, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Cũng tại hội nghị, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp thiết thực nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

 

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)