Nét đặc trưng trong quy hoạch đô thị của một số quốc gia

Monday, 09/16/2019 16:49
Acronyms View with font size
1. Australia – Quy hoạch đô thị bền vữngQuy hoạch đô thị của Úc dựa trên các tiêu chí bền vững về: xã hội; tự nhiên; kĩ thuật; và về tài chính.

Bền vững về xã hội: Các chuyên gia Úc luôn đánh giá bền vững về xã hội là tiêu chí quan trọng nhất. Quy hoạch đô thị ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội. Quy hoạch chỉ có thể xem là tốt nhất khi nó phục vụ con người, vì con người, vì chất lượng sống nhân văn của con người, cân bằng được mọi giá trị văn hóa, tôn giáo, bảo đảm các yêu tố xã hội như giáo dục, y tế, việc làm, thu nhập, giao thông và các dịch vụ cần thiết khác.

Công tác truyền thông được phát huy hết tác dụng. Công khai quy hoạch, lấy ý kiến người dân, kết hợp với công nghệ hiện đại để mục đích cuối cùng là làm sao quy hoạch phải vì lợi ích của đông đảo nhân dân. Công tác truyền thông được tiến hành trong nhiều giai đoạn của quy hoạch. Sở Quy hoạch thành phố có bộ phận tiếp nhận ý kiến công chúng cùng đường dây điện thoại miễn phí để lĩnh hội tất cả ý kiến đóng góp của nhân dân, đảm bảo ý kiến người dân phải được tôn trọng và xem xét.

Bền vững về tự nhiên: “Tất cả mọi cấu phần của đồ án quy hoạch phải tồn tại thân thiện với môi trường sinh thái” – đó là tiêu chí quan trọng thứ hai được đặt ra. Người Úc quý trọng từng giọt nước và bảo vệ nước như nguồn tài nguyên quý giá nhất. nếu một đồ án quy hoạch có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước mà không thể khắc phục được thì quy hoạch đó sữ không thể được phê duyệt. Bên cạnh đó, quy hoạch ưu tiên không gian xanh. Cây xanh ở Úc cũng có quyền pháp lý và được bảo vệ như những công dân. Mỗi cây đều có hồ sơ lý lịch và được quản lý bằng công nghệ số. Chỉ điều đơn giản này thôi cũng thấy vì sao quy hoạch của Úc lại bền vững đến thế!

Tài nguyên khoáng sản của Úc khá phong phú được bảo về và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Thổ nhưỡng cũng rất được coi trọng, đặc biệt là những vùng có điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao trở thành lợi thế cạnh tranh của Úc trên thị trường thế giới.

Bền vững kỹ thuật: Quy hoạch tích hợp mọi yêu cầu hạ tầng kỹ thuật một cách đầy đủ và đồng bộ với các phương án hợp lý bảo đảm cho cuộc sống văn minh lâu dài. Khi quy hoạch một tuyến đường, tất cả các công trình phụ trợ (điện, nước, thoát nước, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng…) được đưa vào một dự án. Tiến độ thi công được thiết lập cụ thể chi tiết và đồng bộ tránh đào đi đào lại.

Khi dự án hoàn thành, các công trình phụ trợ sẽ được bán lại cho nhà cung cấp dịch vụ tương ứng. Những công trình như cấp thoát nước, môi trường, cây xanh, chiếu sáng…không thu được vốn từ nhà cung cấp dịch vụ thì chi phí được tính vào giá đất.

Bền vững về tài chính: Các chuyên gia lập mô hình tài chính đầy đủ cho toàn bộ vòng đời của công trình. Chuyên gia được phân công trách nhiệm phân tích kinh tế - xã hội và tài chính một cách nghiêm ngặt. Công tác này thực hiện ở giai đoạn quy hoạch sơ bộ và thẩm định lại ở giai đoạn cuối cùng. Mục đích là nhằm tính toán mọi chi phí cần thiết trong đầu tư, vận hành, bảo dưỡng và quản lý công trình.

2. Singapore – Quy hoạch đô thị tỉ mỉ

Quốc đảo sư tử từng được vinh danh là TP có quy hoạch “tỉ mỉ, sâu sắc” nhất trên thế giới nhờ những bước tiến vượt bậc trong quy hoạch, đặc biệt là sự ra đời của Ủy ban phát triển nhà dất (HDB) năm 1960, một nhánh của Bộ phát triển quốc gia chuyên biệt về phát triển nhà.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động, HDB đã gây dựng thêm hàng triệu căn hộ, phần lớn tập trung ở 23 thị trấn mới mở rộng theo hình bán nguyệt quanh lõi ven biển của thành phố. Con số này đã nâng tầm vượt bậc về khái niệm nhà ở xã hội lên mức cao hơn bất kỳ đô thị nào trên thế giới. Tới nay, hơn 80% dân số Singapore sống trong những tòa nhà HDB xây dựng. Để đạt được kết quả này, HDB phải xử lý hơn 240 nghìn hộ gia đình nhập cư vẫn còn sống trong các khu nhà tạm mà các nhà quy hoạch nhận thấy cần thiết xóa bỏ những căn hộ ổ chuột làm mất mỹ quan đô thị như thế.

Chính vì vậy mà ở Singapore ai cũng có thể sở hữu nhà, việc sở hữu căn hộ của riêng mình không phải là giấc mơ xa vời với những người trẻ tại quốc gia này.

Mục tiêu quy hoạch “xanh hóa”; “vườn trong phố”, “xanh sạch đẹp ở bất kỳ nơi đâu”, diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích toàn Singapore – điều mà chưa một quốc gia nào đạt được. Vì thế, các chuyên gia quy hoạch luôn xem Singapore là mẫu hình lí tưởng về quy hoạch.

Không chỉ nhà ở, các không gian dành cho phát triển kinh tế, giao thông và môi trường xanh cũng được chính quyên Singapore đặc biệt quan tâm. Ưu tiên phát triển không gian đô thị cho các hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng mà trục đường Orchard trung tâm mua sắm phát triển nhất Singapore. Mạng lưới giao thông được quy hoạch đồng bộ đáp ứng yêu cầu sử dụng trong vòng 40 năm tiếp theo. Khu công nghệ cao, công nghiệp sinh học được xây dựng gần các trường đại học lớn nhằm gắn kết giữa lý thuyết và thực hành.

Hệ thống giao thông của Singapore khá phong phú và hiệu quả. Hệ thống tàu điện ngầm có 84 ga với chiều dài 130km là hệ thống giao thông trọng yếu của Singapore, phục vụ 2 triệu lượt khách mỗi ngày. Phương tiện giao thông công cộng thuận tiện đến mức luôn thu hút người dân Singapore, vì thế giảm bớt sự phụ thuộc vào phương tiện di chuyển cá nhân. Ít lệ thuộc vào phương tiện cá nhân đồng nghĩa áp lực hạ tầng giao thông sẽ giảm bớt, đồng thời, chất lượng môi trường cũng sẽ dược cải thiện.

3. Nhật Bản – quy hoạch nghiêm túc

Tại Nhật Bản, quy hoạch được xem là một chương trình quảng bá xúc tiến đầu tư nghiêm túc. Quy hoạch sau khi hoàn chỉnh sẽ được công bố rộng rãi trước công chúng, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng. Mục đích của việc này là để các nhà đầu tư và nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Điểm đặc biệt nhất trong quy hoạch đô thị Nhật Bản là trong các chương trình phát triển đô thị có quy định tối thiểu 40% dự án phải ưu tiên cho địa phương quản lý thực hiện. Khi quy hoạch được lập nên, cần lấy ý kiến cộng đồng rất nhiều lần, đảm bảo 70% tự nguyện chấp thuận thì quy hoạch đó mới được phê chuẩn.

Khi quy hoạch đó được phê chuẩn, được sự đồng thuận thì sẽ được chuyển tải thành các quy định (gọi là chính sách phát triển đô thị) được chính quyền đô thị thực hiện. Đây là công cụ pháp lý tương đương một văn bản dưới Luật. Khi bản quy hoạch được phê duyệt sẽ trở thành công cụ chính thức để thực hiện quy hoạch. Khi đó, quy hoạch sẽ được thông báo và quảng bá rộng rãi đến cộng đồng và có hiệu lực từ ngày được chính thức công bố.

Một bản quy hoạch được phê duyệt sẽ trở thành công cụ chính thức để thực hiện quy hoạch. Bản chính thức được thông báo và quảng bá rộng rãi đến từng người dân và có hiệu lực từ ngày được chính thức công bố. Sau khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt thực hiện, các dự án này đều do chính quyền thành phố, chính quyền địa phương đảm nhiệm. Các dự án do Bộ Xây dựng, Đất đai, Giao thông và Du lịch (MLIT) phê duyệt hoặc thẩm định trình Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch. Quy hoạch đô thị có ba sản phẩm chính: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng và danh mục các dự án phát triển.

Ngày nay, Nhật Bản đã thành công trong quy hoạch xây dựng đô thị nhỏ gọn, thân thiện môi trường, giảm lượng CO2, phát triển đô thị trung tâm, đồng thời tiến hành chiến lược thông minh thu gọn các vùng ngoại ô, đạt được đô thị bền vững.


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 99/2019

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)