Ý tưởng tạo hình và ngôn ngữ hình thức biểu đạt trong kiến trúc bảo tàng

Wednesday, 02/05/2020 10:31
Acronyms View with font size
1. Đặt vấn đềÝ tưởng sáng tạo hình tượng nghệ thuật và hình thức ngôn ngữ biểu đạt là 2 mặt thống  nhất làm nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Ý tưởng sáng tạo hình tượng nghệ thuật là mục đích và hình thức biểu đạt ngôn ngữ tạo hình là phương tiện của quá trình tư suy sáng tác. Các tác phẩm kiến trúc là đối tượng kết tinh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và trí tuệ của người kiến trúc sư. Ý tưởng và hình thức biểu đạt trong tác phẩm kiến trúc là sự giải mã cảm xúc một cách hứng khởi, tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội. Ý tưởng sáng tạo hình tượng nghệ thuật do vậy, không phải chỉ là sự tích tụ các giá trị trực quan, thụ cảm, hơn thế, nó còn là một giá trị thẩm mỹ mới. Trên bình diện này, hình thức biểu đạt là đồng nghĩa với một tác phẩm có chất lượng cao là tác phẩm trong đó người ta bắt gặp những hình tượng mới mẻ, sống động, được sáng tạo độc đáo, mang đậm dấu ấn bao quát một dung lượng lớn các phương diện thẩm mỹ; có tính phát hiện những khát vọng, dự báo khả năng và hàm nghĩa mới.

Ý tưởng là định hướng của một vấn đề được nêu ra để thực hiện, nghiên cứu, thiết kế, sáng tác. Đó chính là ý tưởng, là linh hồn của bài thơ. Để truyền tải hồn thơ đến người đọc, các thi sĩ cần xây dựng cấu trúc bài thơ hợp lý với các khổ thơ, tứ thơ súc tích,, gieo vần đặt câu, chọn lọc gọt rũa các ngôn từ… Các nhà văn cũng vậy, muốn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, đầu tiên phải có ý tưởng, được chứa đựng ngay ở cái tên và xuyên suốt toàn bộ  nội dung của tác phẩm. Để truyền tải tính tư tưởng của tác phẩn, các nhà văn cần xây dựng cấu trúc các phần, chương, mục hợp lý, logic, súc tích, xây dựng tính cách nhân vật điển hình, gọt rũa các lời thoại, chọn lọc và mô tả các tình tiết bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội không gian, thiên nhiên môi trường… Với các nhạc sĩ, để có dược một tác phẩn hay cũng cần phải có ý tưởng từ lúc sơ khai, có thể từ một làn điện dân ca cho một bài hát, hoặc có thể từ một triết lý, một tư tưởng được nhạc điệu theo một giai điệu chính xuyên suốt toàn bộ nội dung của tác phẩm âm nhạc. Để truyền tải tính tư tưởng của tác phẩm, nhà soạn nhạc cần xây dựng cấu trúc và chủ đề các phần các chương hợp lý, lô gic, chọn lọc và xây dựng các tình tiết nhạc điệu, phối âm, phối khí, phối thanh, soạn bè hòa âm, sáng tạo các biến tấu đa dạng phong phú…

2. Nội dung diễn giải

Trong lĩnh vực kiến trúc, đặc biệt là với công trình bảo tàng, ý tưởng là sự khởi đầu, đồng thời cũng là cốt lõi thẩm mỹ của sự sáng tạo. Việc chắt lọc và xây dựng ý tưởng kiến trúc công trình bảo tàng có thể xuất phát từ nhiều góc độ như: bối cảnh lịch sử của địa điểm xây dựng, cảnh quan môi trường, tư duy triết lý hoặc cảm hứng thiết kế và theo phong cách tác giả. Nếu như ngôn ngữ là công cụ để biểu đạt tư duy trong nghệ thuật tạo hình nói chung và nghệ thuật kiến trúc nói riêng: hệ thống đường nét, hình khối, màu sắc, chất liệu…là ngôn ngữ biểu đạt tư tưởng, tình cảm của tư duy, thiết kế. Trong kiến trúc bảo tàng, hình thức biểu đạt ngôn ngữ tạo hình chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Ngôn ngữ tạo hình góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa, nghệ thuật của công trình và môi trường xung quanh. Sự biểu đạt trong thủ pháp tạo hình công trình bảo tàng có thể diễn đạt qua các thủ pháp: tạo dựng hình khối công trình, tổ chức không gian nội thất, không gian trưng bày tạo ấn tượng tương tác với môi trường, xử lý không gian, phân chia tỷ lệ mặt đứng, sử dụng vật liệu…Sức biểu hiện nghệ thuật của công trình gây được ấn tượng sâu sắc bằng ý tưởng độc đáo và đạt hiệu quả cao nhờ những thủ pháp xử lý ngôn ngữ tạo hình kiến trúc  một cách khéo léo, tài tình của tác giả. Tài năng của một kiến trúc sư chính là chắt lọc và xây dựng ý tưởng từ những trải nghiệm trong thực tế cộng với tư duy sáng tạo, sau đó là thể hiện ý tưởng của mình bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo.

Một kiến trúc sư có phong cách là một kiến trúc sư có cá tính, hoặc có bản sắc độc đáo. Sự độc đáo  này, tuy chủ yếu ở cách thể hiện nhưng nó xuất phát từ một sự thôi thúc nội tâm, một cảm hứng, chiêm nghiệm, đa dạng, phong phú và muôn hình muôn vẻ. Những kiến trúc sư tài năng có phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng mình từ ý tưởng đến kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ hình thức. Trong các công trình bảo tàng, có thể kể đến một số tác giả đặc sắc, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới:

- Frank Lloyd Wright (1867-1959) – là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng thế giới khởi xướng trào lưu kiến trúc hiện đại, là người sáng lập và dẫn đường cho trường phát “kiến trúc hữu cơ”. Năm 1991, Wright được Hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ công nhận là kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại của nước Mỹ. Bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở New-York của ông là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc hiện đại thế giới. Phong cách điển hình của Frank Lloyd Wright là “kiến trúc hữu cơ”, một triết lý về việc thiết kế các cấu trúc phải hài hòa thống nhất từ trong đến ngoài, giữa con người và môi trường xung quanh.

- Frank Gehry (kiến trúc sư người Mỹ gốc Do Thái) thuộc trường phái kiến trúc Giải tỏa kết cấu, là tác giả của nhiều công trình độc đáo và xuất sắc: Bảo tàng Guggenheim – Bilbao, Spain; bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Quỹ Louis Vuitton, Paris, Pháp; Bảo tàng sinh thái Panama City, Panama; Triển lãm nghệ thuật của Ontario; Bảo tàng nghệ thuật Weisman… Phong cách điển hình của Frank Gehry là các công trình được tạo hình bằng các đường cong, vỏ bao che thường bọc bằng những vật liệu kim loại phản xạ.

- Daniel Libeskind (kiến trúc sư người Mỹ gốc Do Thái) nổi tiếng với các công trình mang đậm tính chất biểu cảm: Bảo tàng Do Thái (Berlin, Đức), Bảo tàng nghệ thuật Denver (Mỹ), Bảo tàng chiến tranh (Manchester, Anh), Bảo tàng lịch sử quân sự (Dresden, Đức), Bảo tàng Ontario Hoàng gia (Toronto, Canada), Bảo tàng Do Thái (Copenhagen, Đan Mạch), Bảo tàng Kurdistan (Erbil, Iraq), Bảo tàng công nghiệp hiện đại Zhang ZhiDong (Wuhan, Trung Quốc); Canadian National Holocauts Monument. Phong cách điển hình của Libeskind là “phi kết cấu”, nó chuyển hướng mạnh mẽ từ phong cách kiến trúc được xây dựng với các góc vuông và thẳng đứng thông thường sang các hình dáng linh hoạt tự do và hình học bất cân xứng. 

- Tadao Ando (kiến trúc sư người Nhật), là tác giả của rất nhiều công trình độc đáo và xuất sắc: Bảo tàng Suntory (Osaka, Nhật Bản); Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Naoshima (tỉnh Kagawa, Nhật Bản); Bảo tàng tưởng niệm Ryotaro Shiba (Higashiosaka, tỉnh Osaka, Nhật); Bảo tàng Nghệ thuật Chichu, Naoshima (tỉnh Kagawa, Nhật Bản); Bảo tàng Văn học Himeji (tỉnh Hyogo, Nhật Bản); Bảo tàng Thời trang Design Sight 21-21 (Tokyo, Nhật Bản)… Phong cách điển hình của Tadao Ando là sự tối giản các nguyên lý thẩm mỹ và tình yêu với các vật liệu tự nhiên như thủy tinh, bê tông…

Ngoài ra, trong đề tài kiến trúc bảo tàng không thể không nhắc đến hàng loạt các tác giả và tác phẩm lừng danh trên thế giới như: Kiến trúc sư (KTS) Richard Meier với Bảo tàng Getty (Los Angeles) và Bảo tàng nghệ thuật Atlanta, Mỹ; KTS. Oscar Niemeyer với Bảo tàng nghệ thuật Niteroi (Rio De Janeiro, Brasilia); các KTS. Renzo Piano và Richard Rodgers với công trình Trung tâm văn hóa và bảo tàng Georges–Pompidou (Paris)…bởi vì, bảo tàng là công trình văn hóa, là đề tài khai mở những cách cảm, cách nghĩ, cách  nhìn nhận cuộc sống và con người một cách độc đáo, sáng tạo, mở ra những chiều kích mới về ngôn ngữ hình thức của nghệ thuật, làm cho nghệ thuật mang tính đại chúng phổ cập, có khả năng biểu đạt một cách hiệu quả những tư duy triết lý. Bởi vậy, các KTS tài năng đều mong muốn có cơ hội thử nghiệ, trải nghiệm, thể hiện những tư duy, ý tưởng, tư tưởng, phong cách nghệ thuật riêng của mình trong tác phẩm thuộc đề tài này. Các công trình bảo tàng tùy theo quy mô lớn nhỏ, kinh phí đầu tư và tầm quan trọng của công trình mà các cấp chính quyền và hội đồng chuyên môn thường được tổ chức các cuộc thi tuyển phuong án kiến trúc tầm cỡ quốc gia, quốc tế để chọn phương án tối ưu nhất.

Kiến trúc các công trình bảo tàng tiêu biểu trên thế giới có rất nhiều bài học kinh nghiệm để chúng ta học hỏi nâng cao hiểu biết và kỹ năng chuyên môn trong công tác thiết kế. Có thể nghiên cứu, xem xét việc xây dựng ý tưởng tạo hình và biểu đạt ngôn ngữ hình thức qua một số tác phẩm cụ thể như sau:

- Bảo tàng Solomon Robert Guggenheim ở New-York (KTS. Frank Lloyd Wright) có hình khối kiến trúc rất đặc biệt không giống và tương phản với hình hộp của các tòa trong thành phố, nó có một nét rất duyên dáng độc đáo và hấp dẫn: Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà như dãy ruy băng cuộn tròn bao quanh khối hình trụ bởi những đường cong xoáy ốc chồng lên nhau được ốp đá cẩm thạch trắng mềm mại nổi bật dưới ánh sáng thiên nhiên. Không gian trưng bày chính có dạng tròn, cao chừng 30m, đường kính đáy 28m. Dưới nhỏ trên nở dần ra, trông tựa như con ốc dựng ngược đầu. Các vật trưng bày sắp đặt theo đường xoáy ốc. Người xem có thể xem từ dưới lên hoặc từ trên xuống. Sau khi đi thang máy lên tầng trên, người xem theo một sàn nghiêng 10 độ xoắn ốc xuống dần tới tầng một. Đó là không gian bảo tàng kiểu mới, ở các tầng đều có thể thấy sảnh ở tầng một. Không gian thông tầng lấy ánh sáng từ trên cao cũng là một đặc điểm nổi trội. Với các ngôn ngữ hình thức biểu đạt độc đáo từ hình khối bên ngoài đến không gian nội thất tòa nhà, du khách có thể cảm nhận được thông điệp ngầm từ ý tưởng được tác giả thể hiện một cách khúc triết về sự phát triển tiến hóa của nghệ thuật từ thấp đến cao như những vòng xoáy nở của bản thân công trình.

- KTS. Richard Meier thể hiện cách phối hợp không gian và sử dụng áng sáng tự nhiên thật lung linh trong công trình Bảo tàng nghệ thuật Atlanta (Mỹ). Ánh sáng dù trực tiếp hay gián tiếp đều hiện diện chức năng, ánh sáng còn được sử dụng như hình thức ngôn ngữ biểu đạt ý tưởng công trình thể hiện sự soi rọi nghệ thuật và sự sáng tỏ của các giá trị văn hóa. Các đoạn dốc nối liền các khu triển lãm với nhau và tầm nhìn bao quát không gian được mở rộng, để khách tham quan có thể chiêm ngưỡng cả một vùng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

- Ý tưởng đặt kim tự tháp bằng kính và khung thép vào giữa quần thể kiến trúc cổ điển của Louvre được KTS. Ieoh Ming Pei đưa ra, với lập luận “là kiến trúc thích hợp mamg lại ánh sáng ổn định cũng như tương thích nhất với kiến trúc của bảo tàng Louvre”. Thiết kế kim tự tháp bằng kính cho phép lấy ánh sáng trời vào không gian phía dưới. Hình ảnh một kim tự tháp lớn được ba kim tự tháp nhỏ và hệ thống bể nước cùng với việc sử dụng các chất liệu hiện đại cho vỏ bao che công trình như thép, kính đã mang lại sức sống, vẻ đẹp mới cho công trình cổ Louvre vốn đã quá đỗi tuyệt vời, đã hợp nhất kiến trúc hiện đại với niềm tự hào dân tộc cho một công trình đầy tính lịch sử của nước Pháp.

Cũng như phong cách độc đáo của riêng mình, tác giả Ieoh Ming Pei lại tiếp tục thành công qua việc sử dụng ngôn ngữ biểu đạt khối hình học khổng lồ 5 tầng màu trắng nguy nga của Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo Doha, nổi bật giữa biển xanh trên một hòn đảo nhân tạo ở ngoại ô Doha, Qatar, gợi lên hình ảnh giống như một Kim tự tháp của các khối hình hộp xếp chồng, tượng trưng cho sự thanh khiết của Hồi giáo. Các kiến trúc điêu khắc tinh xảo bên trong bảo tàng kết hợp với các hồ nước, đài phun nước độc đáo và các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt triển lãm bên ngoài hành lang là những điểm nhấn mang đậm nét văn hóa huyền bí Hồi giáo.

- Trung tâm Georges-Pompidou là trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn về văn hóa nghệ thuật đương đại ở trung tâm Paris. Từ tính chất và nội dung hoạt động đa dạng, hiện đại của công trình, Trung tâm Pompidou (Renzo Piano và Richard Rodgers) thực hiện rõ ý tưởng tổ chức hình thức không gian lớn và linh hoạt, đa năng và uyển chuyển bằng cách đưa các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà (như thang máy, đường ống nước và điều hòa nhiệt độ) đặt bên ngoài tòa nhà để giải phóng không gian bên trong. Đồng thời nhằm tạo điểm nhấn, gây ấn tượng sâu sắc tương phản với các công trình kiến trúc và bảo tàng cổ điển ở Paris, trung tâm Pompidou được làm từ khung thép và kính, các hệ thống ống ở mặt ngoài của tòa nhà được sơn màu theo chức năng: các ống điều hòa màu xanh da trời, các ống nước màu xanh lá cây, các đường ống điện màu vàng còn các ống màu trắng là hệ thống thông gió của các tầng ngầm. Riêng hệ thống thang trời cho khách tham quan đến nhiều tầng khác nhau được đặt trong một ống màu đỏ treo ở cạnh phía Tây, tạo ra một mặt tiền đặc biệt và một cảnh tượng đầy sinh khí cho công chúng đứng ở quảng trường bên dưới.

- Với thủ pháp tạo hình coi trọng phép ẩn dụ cũng như tính bất thường của hình thức, trên cơ sở sử dụng kết cấu mới, vật liệu mới, việc chồng xếp các khối cong đa hình theo nhiều lớp và cao độ thể hiện chất ngẫu hứng, ấn tượng về thị giác của Bảo tàng Guggenheim, Bibao, Spain (KTS. Frank Gery) khiến người xem có những cảm nhận khác nhau. Hiệu ứng kết hợp chất liệu và mảng khối khiến tòa nhà như thể đang chuyển động quanh trục của nó với những đường cong liên tục. Tòa nhà đã trở thành biểu tượng của thành phố Bilbao bởi vẻ đẹp cô đọng và độc đáo với một tư duy kiến trúc của tương lai bằng hình dáng uyển chuyển, cách điệu của một bông hoa kim loại. Khối công trình của Bảng tàng Guggenheim - Bibao (Spain) là một tổng thể điêu khắc bằng các tấm Titan uốn lượn, là một tác phẩm đậm chất nghệ thuật, văn hóa, là biểu tượng mang đậm bản sắc Tây Ban Nha: Nó rực rỡ, sôi nổi, hào nhoáng, khác thường, nổi bật lên một cách ấn tượng giữa khung cảnh cảng biển Basque cũ kỹ đối diện với vịnh Biscay lộn xộn. Cấu trúc không gian đã đạt đỉnh điểm khi hòa hợp cùng hình dáng cây cầu trên sông Nervion bởi chính những nét cắt được tạo bởi các khối hợp kim trung tâm của công trình. Sự gợi cảm của vật liệu: titan, kính và đá vôi trong một cấu trúc mạnh mẽ dựng trên những đường cong toán học và hình học bắt mắt của Bảo tàng Guggenheim - Bibao (Spain) với ánh sáng ban ngày phản chiếu lên mặt tiền kim loại quằn quại của vỏ bao che công trình, những viên đá granite đen sáng lấp lánh cùng những con đường bê tông uốn lượn xung quanh…tạo cho công trình ấn tượng độc đáo, đặc sắc.

- Bảo tàng Do Thái tại Berlin được thiết kế với ý tưởng: Tôn vinh các đóng góp của người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ 2; Tầm nhìn tới tương lai. Bảo tàng có hình thức khác lạ, dích dắc như một tia chớp trên nền trời. Gây ấn tượng mạnh trong công trình là một không gian trống được gọi là “Khoảng không” với chiều cao hơn 20m, cắt một được dọc xuyên suốt tòa nhà. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt Shalechet (của nghệ sỹ Menashe Kadishman người Israel) được rải đầy khắp mặt đất trong khoảng không này. Có khoảng hơn 10.000 miếng sắt bị gỉ sét mang hình dạng những khuôn mặt người với đủ mọi sắc thái tình cảm: kêu gào, khóc than, hoảng sợ, đau đớn… Trong khoảng không yên ắng, âm u, bước chân của du khách giẫm đạp lên những miếng sắt mang hình khuôn mặt người đó tạo nên một hiệu ứng âm thanh ghê rợn, lạnh lùng ngân lên như những tiếng khóc bi ai, nhưng những lời than oán, hay những tiếng kêu cứu thất thanh vang vọng. Đó cũng là cảm hứng âm nhạc độc đáo mà KTS. Daniel Libeskind (vốn là một nhạc sĩ), muốn lồng vào tác phẩm kiến trúc của mình. Đó là những tấm bia tưởng niệm xót xa cho những nạn nhân Do Thái đã bị thảm sát trong thảm họa diệt chủng của Đức quốc xã. Không gian bảo tàng dùng ngôn ngữ và biểu tượng ẩn dụ, mang sức gợi cảm và tượng trưng cao. Mặt đứng không có cửa chính, lại càng không có cửa sổ - thay vào đó là những nhát cắt hình dọc không theo quy tắc trên bề mặt mạ kẽm, được ví như những vết  thương còn hằn lại trên da thịt của lịch sử mà người Do Thái đã phải chịu đựng. Daniel Libeskind đã nối địa chỉ của các công dân Đức gốc Do Thái trên bản đồ Berlin thời kỳ trước chiến tranh, tạo thành một “ma trận vô hình và phi logic” và sử dụng ma trận đó là nền tảng tạo nên ngôn ngữ hình thức, cấu trúc hình học cho công trình cũng như để sắp xếp vị trí cửa sổ, đồng thời vỏ bao che công trình được sử dụng những tấm hợp kim kẽm và titan, có thể sẽ bị oxy hóa và chuyển sang màu xanh rêu mốc theo điều kiện ánh sáng và thời tiết với ý đồ của tác giả rằng quá khứ sẽ ngủ yên, thời gian rồi sẽ xoa dịu mọi nỗi đau.

Phong cách độc đáo của KTS. Daniel Libeskind tiếp tục gây ấn tượng mạnh trong việc thể hiện ngôn ngữ biểu đạt hình thức tòa nhà mới của Bảo tàng hoàng gia Ontario – The Crystal được thiết kế như là không gian chuyển tiếp giữa khu vực công cộng trên đường phố và khu vực dân cư xung quanh với Bảo tàng. Nhìn từ xa công trình như một vật thể ngoài trái đất, từ trên trời rơi xuống khu vực bảo tàng cũ, bị bóp bẹp và nằm lẫn trong các công trình kiến trúc xưa, tràn ra bên ngoài đường phố. Tòa nhà gần như không có một góc vuông nào, tất cả không gian được hình thành bởi các vách tường vát, nghiêng, tạo thành các góc nhọn, tù đan xen lẫn nhau. Tuy có nhiều ý kiến trái chiều, xong hình thức kiến trúc độc đáo, của tòa nhà Ontario trở thành là một trong những dự án văn hóa trọng yếu nhất của Canada.

- Bảo tàng Sunstory (Osaka, Nhật Bản) được thiết kế nhằm tạo nên một không gian công cộng mới, lấy quảng trường Mermaid Plaza làm không gian trung độ, làm cầu nối giữa bảo tàng và mặt biển. Khối nhà chính là một hình côn ngược, trên to dưới nhỏ, bên trong ngoài sảnh vào, các shop, là một sân khấu hình cầu có đường kính 32m, toàn bộ tòa nhà tương đương với 5 tầng, có hai khối chữ nhật mở ra phía biển là khối nhà ăn và khối trưng bày. Hình côn ngược và hình cầu là những hình khối platông luôn gây ấn tượng mạnh, được chọn cho hình khối công trình, vì theo tác giả (KTS. Tadao Ando) chỉ như vậy mới “đối đầu” được với mặt biển bao la và với công trình Kaiykan cũng có kích thước rất đồ sộ ở bên cạnh.

- Không gian trưng bày của bảo tàng Louvre Abu Dhabi (KTS.Jaen Nouvel) là các khối hình hộp, cao 1-2 tầng, bố trí thành các cụm trên mặt nước với bố cục đa dạng như một khu phố Ả Rập cổ. Phủ trên hai phần ba các không gian hình hộp này là một mái vòm tròn, đường kính 180m, tạo tổng thể theo dạng các ngôi nhà dưới một mái nhà. Hình dạng mái vòm lấy cảm hứng từ các nóc nhà thờ Hồi giáo, lăng mộ. Mái lớn vô cùng độc đáo bởi cho phép ánh sáng xuyên qua lấy cảm hứng từ những tia sáng đi qua các lớp lá cọ, tạo ra “các trận mưa ánh sáng” tuyệt đẹp, tráng lệ, được ví như một ốc đảo ánh sáng.

- Tại phía Đông Nam của ngọn đồi Acropolis với đền Parthenon huyền thoại, đã phát lộ dấu tích của thành phố Athens cổ đại và Chính phủ Hy Lạp đã quyết định xây dựng Bảo tàng Acropolis. Những tàn tích này được bảo tồn và tích hợp vào thiết kế bảo tàng, là một phần quan trọng thu hút khách thăm. Từ bối cảnh của địa điểm, tòa nhà được thiết kế với ý tưởng xoay quanh 3 khái niệm: Ánh sáng, dòng chảy lịch sử và con người, đồng thời sử dụng hình thức ngôn ngữ biểu đạt với một cấu trúc đơn giản và rõ ràng như những khái niệm toán học cổ Hy Lạp, biến những hạn chế của địa điểm (diện tích hạn hẹp) thành cơ hội kiến trúc. Các vách kính xung quanh công trình mở tầm nhìn rộng về ngôi đền và các khung cảnh của thành phố. Vật liệu chủ đạo là bê tông, kính và đá cẩm thạch, bổ sung cho hình khối hình học đơn giản của công trình.

Đối với các tác phẩm văn học nổi tiếng, càng đọc ra càng thấy hay, mỗi lần đọc lại có những phát hiện mới; với những bức tranh nghệ thuật độc đáo càng xem càng thấy đẹp, mỗi lần xem lại có những trải nghiệm mới; hoặc với những tác phẩm âm nhạc đặc sắc càng nghe càng thấy hay, mỗi lần nghe lại có những cảm xúc mới… Tương tự, đối với các kiệt tác kiến trúc bảo tàng thế giới đã đạt được những giá trị đỉnh cao nghệ thuật ở mức khó có thể tả xiết, chúng ta cũng cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ càng nhiều lần để mỗi lần tự đúc ra một bài học, một phương pháp, một kỹ năng chuyên môn nào đó tùy theo thái độ, trình độ, năng lực và sự cảm nhận của mỗi người.

Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc là một quá tình hoạt động trí tuệ từ hình thành ý tưởng đến thể hiện và hoàn thiện sáng tác theo cả hai chiều: xuôi (xây dựng ý tưởng trước, sau đó tìm tòi và thể hiện ngôn ngữ hình thức biểu đạt) và ngược (tìm tòi và thể hiện ngôn ngữ hình thức biểu đạt để làm rõ và hoàn thiện ý tưởng), chu trình này có thể lặp đi lặp lại cho đến khi tác giả cảm nhận được kết quả sáng tạo đã đạt tới cảnh giới cao nhất. Đó là quá trình đan xen tương hỗ lẫn nhau và thống nhất trong phép biện chứng làm nên chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm kiến trúc. Trong thiết kế kiến trúc bảo tàng: Giai đoạn hình thành ý tưởng là quá trình đầu (1), bao gồm: tìm hiểu nhiệm vụ thiết kế, phân tích các dữ liệu liên quan, hình thành ý tưởng sáng tạo, phác thảo các phương án tạo hình, so sánh và chọn phương án tối ưu, trong đó cần quan tâm đến các yếu tố đặc thù như:

+ Bối cảnh lịch sử: Bối cảnh lịch sử của địa điểm xây dựng luôn là yếu tố quan trọng trong việc tìm ý tưởng thiết kế công trình bảo tàng. Bối cảnh lịch sử của địa điểm luôn là thông tin duy nhất, độc đáo, có tính bản địa, có sức thuyết phục cao và luôn được các kiến trúc sư quan tâm khai thác, là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật. Ví dụ như: bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima; Bảo tàng Acropolis, bảo tàng Khảo cổ học Alise-Sainte-Reine, Pháp.

+ Cảnh quan môi trường: Dù là môi trường thiên nhiên hay đô thị thì cảnh quan môi trường xây dựng công trình luôn là yếu tố được coi trọng hàng đầu để làm nên giá trị nghệ thuật có bản sắc của các tác phẩm kiến trúc. Trong quá trình hình thành ý tưởng thiết kế, người kiến trúc sư luôn nghiên cứu thật kỹ và sâu sắc các thông tin về hiện trạng, cảnh quan môi trường, đi thực địa để trực tiếp quan sát và trải nghiệm nhận thức và cảm xúc của mình tại địa điểm xây dựng để phát hiện những đặc điểm riêng làm cơ sở hình thành ý tưởng sáng tạo mới mẻ, độc đáo và sự biểu đạt ngôn ngữ tạo hình trong tác phẩm kiến trúc. Có thể nhận thấy thành công lớn của các bảo tàng nổi tiếng trong việc khai thác cảnh quan môi trường như: Bảo tàng Louvre; Bảo tàng Getly, Los Angeles; Bảo tàng nghệ thuật Niteroi; Bảo tàng lịch sử leo núi Messner, Nam Tyrol, Ý.

+ Tính chất và nội dung trưng  bày:  Các bảo tàng hiện đại được thiết kế và xây dựng mới với nội dung và kịch bản trưng bày được xác định rõ ràng ngay từ đầu, ngày càng mang nhiều chức năng đa dạng phong phú, có thể chia làm 3 nhóm chính: 1- Bảo tàng khu vực hoặc quốc gia (có tính tổng hợp: thu nhập, gìn giữ và trưng bày các tài liệu lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật, các tác phẩm mẫu mực của công  nghiệp và nông nghiệp, khoáng sản, thực vật và các hiện vật khác trong lĩnh vực kinh tế, lịch sử, dân tộc học…); 2- Bảo tàng chuyên ngành: (khoa học, tự nhiên, lịch sử, nghệ thuật, văn học, âm nhạc, sân khấu, kĩ thuật và công nghệ…); 3- Bảo tàng tưởng niệm: (các sự kiện lịch sử hoặc các nhà hoạt động quốc gia, nhà bác học, nhà văn, họa sĩ, nhạc công lớn…). Tùy theo tính chất, quy mô, số lượng hiện vật lưu giữ và trưng bày, nội dung và kịch bản trưng bày cụ thể mà giải pháp kiến trúc bảo tàng từ tổng thể đến chi tiết cũng khác nhau và đa dạng. Ví dụ như: Trung tâm Georger-Pompidou (Các KTS. Renzo Piano và Richard Rodgers); Bảo tàng Chiến tranh tại Manchester, Anh (KTS. Daniel Libeskind); Bảo tàng Hàng hải Singapore; Bảo tàng Khoa học thành phố Nagoya, Nhật.

+ Tư duy triết lý hay cảm hứng thiết kế: Trong thiết kế công trình bảo tàng, những ý tưởng, tư duy khúc triết sẽ tạo cho công trình có tính biểu tượng cao, sâu sắc,  những cảm hứng độc đáo sẽ tạo cho công trình có sức sống, lãng mạn, thuyết phục. Các KTS tài năng có phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng mình thường là những tác giả có tâm hồn nhạy cảm để phát lộ những cảm xúc độc đáo đồng thời là những tác giả có tư duy sâu sắc để hình thành và hun đúc những triết lý trong quá trình hình thành và xây dựng ý tưởng tạo hình công trình. Có thể thấy qua nhiều tác phẩm: Bảo tàng Solomon Robert Guggenheim, Bilbao, Spain (KTS.Frank Gery); Bảo tàng Do Thái tại Berlin…

Giai đoạn tìm kiếm ngôn ngữ biểu đạt tư tưởng, tình cảm của tư duy thiết kế (giai đoạn thể hiện và hoàn thiện sáng tác) là quá trình tiếp theo (2), bao gồm: tạo dựng hình khối công trình, tổ chức không gian nội thất, không gian trưng bày, tạo ấn tượng tương tác với môi trường, xử lý không gian, phân chia tỷ lệ mặt đứng, sử dụng vật liệu…trong đó:

+ Tạo dựng hình khối công trình: là yếu tố tạo hình đầu tiên và có sức thuyết phục nhất, thể hiện và diễn đạt một cách rõ ràng, ấn tượng nhất ý tưởng của nhà thiết kế. Hình tượng, hình khối công trình bảo tàng được xem như là tượng đài thể hiện tính tư tưởng triết lý của tác phẩm. Không phụ thuộc vào tính chất và quy mô, bảo tàng là công trình văn hóa lưu giữ và trưng  bày các hiện vật quý giá, tinh hoa nhất về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của một quốc gia, hay một địa phương, bởi vậy luôn được ưu tiên bố trí ở những vị trí không chỉ tiện ích cho việc tham quan của duu khách mà quan trọng hơn để trở thành điểm nhấn có ý nghĩa nhiều mặt của đô thị đó, trong đó hình ảnh trực quan về hình khối công trình là sự biểu đạt đầu tiên và hiệu quả nhất. Bởi vậy, khi thiết kế công trình bảo tàng, song song với việc xây dựng ý tưởng một cách sâu sắc, khúc triết thì đồng thời người KTS cũng nghiên cứu, suy ngẫm, tìm tòi những giải pháp tạo dựng hình khối công trình một cách sáng tạo, độc đáo để kiểm chứng và hoàn thiện dần tư duy sáng tác của mình. Ví dụ: Bảo tàng Solomon Robert Guggenheim ở New York; Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo Doha, Qatar; Bảo tàng Guggenheim, Bilbao, Spain.

+ Tổ chức không gian nội thất, không gian trưng bày: Bảo tàng trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tốc hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Mục đích của bảo tàng là gió dục, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu về quá khứ. Tổ chức không gian trưng bày ngoài việc phải tuân thủ các nguyên tắc khoa học của bảo tàng học và kịch bản trưng bày của từng bảo tàng…mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn giải pháp tổ chức không gian kiến trúc và khả năng sáng tạo của người KTS: bảo tàng Solomon Robert Guggenheim ở New York; Bảo tàng Louvre Abu Dhabi.

+ Tạo ấn tượng tương tác với môi trường: bảo tàng là công trình văn hóa, là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch. Ngoài những đặc thù về tính chất, quy mô, số lượng và giá trị hiện vật, các bộ sưu tập, các di sản văn hóa được lưu giữ, nội dung và kịch bản trưng bày… hình thức kiến trúc phản ánh sự tương tác của công trình với môi trường xung quanh gây ấn tượng sâu sắc với du khách và là niềm tự hào của người dân địa phương: Trung tâm Pompidou Paris; Bảo tàng Guggenheim – Bilbao, Spain; Tòa nhà mới của Bảo tàng hoàng gia Ontario.

+ Xử lý không gian, phân chia tỷ lệ mặt đứng: Việc xử lý không gian trưng bày và việc phân chia tỷ lệ mặt đứng bảo tàng cũng là những thủ pháp quan trọng làm nên chất lượng công trình, góp phần làm giàu bản sắc và phong phú nội dung, trưng bày, tạo những cảm xúc, ấn tượng cho khách tham quan trải nghiệm và thưởng thức từ việc chiêm ngưỡng hình thức bên ngoài đến hòa nhập vào không gian bên trong công trình: bảo tàng Do Thái tại Berlin; Bảo tàng nghệ thuật Atlanra, Mỹ.

+ Sử dụng vật liệu hoàn thiện: Vật liệu vỏ bao che công trình cũng như trang trí nội thất là những vật liệu vô tri vô giác, nhưng nếu được sử dụng đúng cách, đúng chỗ bởi bàn tay kiến trúc có cá tính thì cũng trở nên có hồn, biết nói và truyền cảm, có sức thuyết phục cao, gospp phàn làm nên những giá trị nghệ thuật xuất sắc, độc đáo: Bảo tàng Guggenheim – Bilbao, Spain, Bảo tàng Do Thái Berlin; Bảo tàng Acropolis, Hy Lạp.

Hai giai đoạn của quá trình thiết kế bảo tàng có thể tiến hành tuần tự (từ bước 1 đến bước 2) hoặc song song bổ sung lẫn nhau (từ bước 2 về bước 1) một hay nhiều lần tùy theo phong cách, sở trường của từng tác giả để đạt đến mức độ tối ưu từ tổng thể đến chi tiết, mang lại giá trị nghệ thuật cao cho công trình từ ý tưởng tạo hình đến hình thưc ngôn ngữ biểu đạt. Cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào cho ra cách làm này của mỗi tác giả cho mỗi công trình như thế nào, bắt đầu từ đâu và bao nhiêu lần, song chắc chắn rằng để có được tác phẩm hoặc đồ án kiến trúc bảo tàng đạt được những giá trị nghệ thuật nhất định thì phải là quá trình sáng tạo, lao động nghệ thuật không đơn giản bình thường.

3. Kết luận

Trong công tác thiết kế kiến trúc, đề tài công trình bảo tàng luôn có sự hấp dẫn nhưng đòi hỏi quá trình nghiên cứu, sáng tạo tâm huyết, đam mê và phương pháp luận từ cách đặt vấn đề đến cách giải quyết vấn đề một cách khoa học. Do đặc thù kiến trúc của thể loại công trình này, ngoài việc phải thỏa mãn hàng loạt những yêu cầu phức tạp về công năng còn đặc biệt quan tâm đến giá trị nghệ thuật của công trình, trong đó: Ý tưởng sáng tạo hình tượng nghệ thuật là sự khởi đầu, là cốt lõi của sự sáng tạo và ngôn ngữ hình thức biểu đạt là phương tiện để diễn đạt tư tưởng, tình cảm của tư duy thiết kế, tăng giá trị nghệ thuật của tác phẩm đồng thời là quá trình đan xen tương hỗ lẫn nhau và thống nhất trong phép biện chứng làm nên chất lượng nghệ thuật. Trong công tác giảng dạy đào tạo kiến trúc sư, ngoài việc truyền cảm hứng, kinh nghiệm, người thầy còn gợi ý, hướng dẫn, phát hiện và bồi dưỡng cho sinh viên những kỹ năng cần thiết từ đơn giản đến phức tạp trong phương pháp xây dnwgj và hình thành ý tưởng và các thủ pháp chuyên môn biểu đạt ngôn ngữ hình thức nhằm tạo ra những đồ án có chất lượng tốt.


(Nguồn: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 36/2019)

 

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)