Hệ thống công cụ đánh giá đô thị phát triển bền vững

Wednesday, 12/25/2019 16:51
Acronyms View with font size
1. Phát triển đô thị bền vữngPhát triển bền vững được đề cập lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Stockhom, Thụy Điển năm 1972 với tác phẩm “Chiến lược Bảo tồn thế giới”. Năm 1987, Định nghĩa về phát triển bền vững được Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển công bố trong báo cáo Brundland là “Sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại tới thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ”. Năm 1992, vấ đề phát triển bền vững được đề cập một cách toàn diện tại Hội nghị thượng đỉnh họp tại Rio de Janeiro với tuyên bố về môi trường và phát triển. Hội nghị đã đề xuất chương trình  nghị sự 21 với các chương trình hành động để đạt được phát triển bền vững. Năm 2002 Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững họp tại Johannesburg, Nam Phi tổng kết lại những việc đã làm 10 năm qua theo phương hướng mà Tuyên ngon Rio và Chương trình Nghị sự 21 đã vạch ra, tiếp tục tiến hành với một số mục tiêu được ưu tiên. Những sản phẩm tái sinh hoặc thân thiện với môi trường nhằm thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm, bảo vệ và quản lý các nguồn. Hội nghị cũng đề cập tới chủ đề gắn với các vấn đề liên quan tới sức khỏe và phát triển. Các đại diện của các quốc gia tham gia hội nghị cũng cam kết phát triển chiến lược về phát triển bền vững tại mỗi quốc gia trước năm 2005. 

Khái niệm đô thị phát triển bền vững đã có một số lượng đồ sộ các tài liệu, ấn phẩm nghiên cứu đề cập đến theo nhiều góc độ khác nhau, trong đó đã có những thiết lập cơ bản về quan điểm, các tiêu chí của phát triển đô thị bền vững và các mô hình quy hoạch đô thị bền vững. Nhiều quốc gia khác nhau đề xuất các tiêu chí đánh giá khác nhau và sự đồng thuận chỉ đạt được khi gắn tiêu chí vào một hay vài mục tiêu phát triển của đô thị. Các nước thuộc nhóm phát triển có sự phát triển tương đối ổn định về kinh tế, xã hội thì thường đề cao các tiêu chí bền vững đô thị là tiêu chuẩn chất lượng sống của dân cư như ô nhiễm môi trường, công bằng xã hội, nhân quyền… Còn các nước thuộc nhóm đang phát triển thì lại hướng nhiều hơn đến tiêu chí kinh tế hoặc có thể như vấn đề chênh lệch phát triển giữa đô thị và nông thôn. Đánh giá tính bền vững của đô thị là một việc phức tạp, nó được sử dụng như một công cụ hữu hiệu giúp các nhà quản lý trong quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách, giúp họ quyết định những hành động nào nên làm và những hành động nào không nên làm, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Bài viết này so sánh một số công cụ đánh giá phát triển bền vững được sử dụng phổ biến trên thế giới nhằm làm rõ sự tương đồng và khác biệt của các công cụ, từ đó làm cơ sở cho lựa chọn các công cụ phù hợp với điều kiện của địa phương.

2. Hệ thống công cụ đánh giá đô thị phát triển bền vững

Các công cụ đánh giá đô thị bền vững được ra đời vào năm 2004, bắt đầu bằng bộ công cụ CEEQUAL của Vương quốc Anh, EcoCity của Trung Quốc…Hai năm tiếp theo, năm 2006, là CASBEE của Nhật Bản và EnviroDevelopment của Úc. Sau đps là BREEAM Communities, CASBEE, GBI Township, LEED – ND…và rất nhiều các công cụ khác được phát triển và sử dụng trên toàn cầu.

Các công cụ đánh giá tính bền vững của đô thị được xây dựng dựa trên 2 nhóm chỉ số là chỉ số định lượng và chỉ số định tính. Việc đánh giá diễn ra ở phạm vi không gian khác nhau từ một tòa nhà đến một khu ở cho đến toàn bộ một thành phố và cũng được thực hiện ở nhiều mức độ, từ vật liệu xây dựng công trình, đến năng lượng của tòa nhà, phân tích chất lượng không khí trong tòa nhà cho đến đánh giá về vị trí lựa chọn xây dựng công trình, quy hoạch, quy hoạch giao thông, phát triển cộng đồng, phúc lợi xã hội, quản trị đô thị. Ví dụ một số công cụ chỉ tập trung đánh giá môi trường của một tòa nhà như LEED, BREEAM…Nhưng cũng có một số công cụ đánh giá tính bền vững của một khu ở hoặc một khu vực của đô thị như LEED – ND của Mỹ, CASBEE-UD của Nhật Bản và BREEAM – Communities của Châu Âu, IGBC Green Townships and GRIHA-LD…các công cụ này chú trọng đến sự cân bằng trên 3 khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường, bao gồm hệ thống các tiêu chí đánh giá đã được phân loại thành các nhóm: Vị trí, nguồn lực, hạ tầng, giao thông, quy hoạch sử dụng đất.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng bộ công cụ làm thước đo sự phát triển bền vững của đô thị. Các công cụ này có hệ thống tiêu chí khác nhau trên cơ sở các điều kiện phù hợp với đặc điểm của các quốc gia, phần lớn vẫn sử dụng giống nhau như đánh giá về vị trí, môi trường trong nhà, năng lượng, tài nguyên, nước sạch.

3. Sự tương đồng và khác biệt của công cụ đánh giá đô thị phát triển bền vững

Qua một số công cụ được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là BREEAM Communities, LEED-ND, CASBEE-UD, GBI Township, and GRIHA-LD, bài viết phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa các công cụ đánh giá đô thị bền vững trong các bối cảnh địa lý khác  nhau.

3.1. BREEAM Communities (Building Research Establishment Environmental Assessment Method)

BREEAM là hệ thống chứng nhận môi trường đầu tiên để đánh giá công trình xanh, ra đời năm 1990 tại Vương Quốc Anh và hiện nay được sử dụng rộng rãi trên thế giới (hơn 50 quốc gia). Ban đầu công cụ này sử dụng chỉ để đánh giá môi trường của các tòa nhà nhưng qua một thời gian đã được bổ sung thêm một số tiêu chí để đánh giá tính bền vững của một khu ở và được gọi là BREEAM Communities. Công cụ BREEAM Communities đã xây dựng được cơ sở khoa học để giúp các nhà quy hoạch và nhà phát triển đánh giá được các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường của dự án có tác động như thế nào đến người dân địa phương ở giai đoạn quy hoạch và thiết kế, từ đó có các biện pháp giảm thiểu các tác động của phát triển đến môi trường. Các tiêu chí được sử dụng là: Quản trị; Lợi ích kinh tế và xã hội; Giao thông và đi lại; sử dụng đất và sinh thái; Tài nguyên và năng lượng; sự đổi mới.

3.2. LEED-ND (for neighbourhood development)

Hệ thống LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh do Hội đồng Kiến trúc xanh của Mỹ thiết lập năm 1988. Các công trình đã được cấp chứng nhận LEED có nghĩa là công trình đó sử dụng hiệu quả nước và năng lượng, thải ít khí CO2 và tận dụng tốt các nguồn tài nguyên ở địa phương giúp giảm thiểu mức độ sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất và vận chuyển. LEED xây dựng bộ tiêu chí đánh giá theo thang điểm 110, bao gồm:

TT
Tiêu chuẩn
Điểm
1
Vị trí xây dựng bền vững/Sustainable site (SS)
26
2
Tận dụng nguồn nước hiệu quả/ Water Efficiency (WE)
10
3
Tận dụng và tái tạo nguồn năng lượng/Energy & Atmosphere (EA)
35
4
Tiết kiệm tài nguyên và nguyên vật liệu/ Material & Resources (MR)
14
5
Chất lượng môi trường sống trong nhà/ Indoor Environment Quality (IE)
14
6
Sự sáng tạo trong quá trình thiết kế/Innovation & Design (ID)
6 (tặng)
7
Khu vực ưu tiên/ Regional Priority (RP)
4 (tặng)
 
Tổng số điểm
110

 

LEED-ND: Khi sự quan tâm về môi trường ngày càng tăng, Hội đồng Kiến trúc Xanh Hoa Kỳ đã mở rộng tiêu chuẩn LEED, vượt qua khuôn khổ một công trình để xếp hạng và chứng nhận cho toàn bộ một khu ở. LEED-ND được thiết lập để thể hiện cố gắng mới này. Bộ tiêu chuẩn LEED-ND nhấn mạnh đến địa điểm, mật độ xây dựng, việc bảo tồn mặt nước và đất nông nghiệp, mức độ giảm thiểu sự phụ thuộc vào ô tô, khoảng cách gần giữa nhà và nơi làm việc, khả năng đi bộ, mức đố ử dụng năng lượng hiệu quả, và một số những chỉ tiêu khác. 

3.3. CASBEE – UD (Comprehensive Assessment System for Building Environmental Efficiency for Urban Development)

CASBEE (Comprehensive Assessment System for Building Environmental Efficiency) là tiền thân của  CASBEE – UD, được phát triển tại Nhật bản từ năm 2001. CASBEE được áp dụng tại Nhật Bản cho cả hai khu vực tư nhân và nhà nước, với khá nhiều phiên bản khác nhau để đánh giá các công trình khác nhau như CASBEE dành cho công trình xây mới, CASBEE dành cho công trình cải tạo, dành cho nhà ở… Hệ thống tiêu chí của CASBEE bao gồm khoảng 90 tiêu chí (thay đổi tùy thuộc vào từng phiên bản) tập trung vào 4 mảng chính: Tiết kiệm năng lượng; Tiết kiệm tài nguyên; Môi trường địa phương và Vi khí hậu công trình.

CASBEE – UD được xây dựng trên cơ sở của CASBEE do Chính phủ Nhật Bản ban hành năm 2006, tập trung đánhgiá cho khu vực đô thị. Các tiêu chí chia thành 2 nhóm là QUD (Environmental Quality of Urban Development – chất lượng môi trường của khu vực đô thị) và LUD (Environmental Load of Urban Development – chất lượng môi trường của khu vực bên ngoài đô thị). Mỗi nhóm tiêu chí này chia thành 3 mảng là kinh tế, xã hội và môi trường với các chỉ tiêu cụ thể.

3.4. GBI Township (Green Building Index)

GBI Township do Malaysia thiết lập năm 2011, dựa trên nguyên tắc cân bằng tiêu thụ năng lượng và nước sạch, tôn trọng môi trường và hệ sinh thái bản địa, quy hoạch và thiết kế công trình vì lợi ích của cộng đồng, tạo ra các khu vực kết nối tốt với các phương thức vận chuyển khác nhau. Sử dụng tài nguyên không làm tổn hại đến môi trường, tạo cơ hội có việc làm. Công cụ này gồm 6 tiêu chí cốt lõi là khí hậu, năng lượng, nước, môi trường sinh thái, quy hoạch và phát triển, giao thông và kết nối, kinh doanh và đổi mới.

3.5. IGBC Green Townships (Indian Green Building Council)

IGBC Green Townships cho phép nhà thiết kế sử dụng ý tưởng xanh để giảm thiểu tác động của môi trường, lên kế hoạch cho các vấn đề lan tỏa đô thị, sự phụ thuộc vào xe hơi, không có sự kết nối giữa xã hội và môi trường vì không có quy hoạch môi trường, quy hoạch sử dụng đất, quản lý nguồn lực, phát triển cộng đồng. Công cụ IGBC Green Townships gồm 5 nhóm tiêu chí: Vị trí và quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quản lý nguồn lực cơ sở hạ tầng, đổi mới trong thiết kế và công nghệm cụ thể trong 40 các chỉ tiêu

Sự tương đồng

Các công cụ này đều chú trọng đến sự cân bằng trên 3 khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường

Sự khác biệt

Các công cụ xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá khác nhau về tính bền vững của đô thị do được nhìn  từ các góc độ khác nhau hay từ quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu và mức độ quan trọng của khí cạnh lựa chọn. Tất cả 5 công cụ, ngoại trừ BREEAM Communities, đã nhấn mạnh hơn nhiều vào quản lý cơ sở hạ tầng và tài nguyên (năng lượng, nước, chất thải và xây dựng). Tiêu chí giao thông vận tải & Kết nối là tiêu chí quan trọng BREEAM Communities, GBI Township, IGBC Green Townships và GRIHA-LA và là một danh mục phụ trong LEED-ND, trong khi CASBEE-UD lại coi giao thông vận tải là tiêu chí ít quan trọng hơn so với các tiêu chí khác. Tuy nhiên gần như không có công cụ nào để đánh giá về khía cạnh xã hội, là các vấn đề như sự tham gia của cộng đồng. Đổi mới, tài chính và kinh tế chưa được quan tâm nhiều trong số 5 công cụ này khi được so với các công cụ khác.

STT
Công cụ
Các tiêu chí đánh giá
Quốc gia
1
BREEAM Communities
- Quản trị.
- Sự đổi mới.
- Lợi ích kinh tế và xã hội – giao thông và đi lại.
- Sử dụng đất và sinh thái.
- Tài nguyên và năng lượng.
Anh
2
LEED-ND
- Địa điểm.
- Mật độ xây dựng.
- Việc bảo tồn mặt nước và đất nông nghiệp, mức độ giảm thiểu sự phụ thuộc vào ô tô, khoảng cách gần giữa nhà và nơi làm việc, khả năng đi bộ, mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả, và một số những chỉ tiêu khác.
- Thiết kế và mô hình khu phố.
USA
3
CASBEE for Urban Development
Môi trường: Tài nguyên; Thiên nhiên (cây xanh & Đa dạng sinh học); môi trường nhân tạo.
Japan
Xã hội: Vô tư/Công bằng.
Xã hội: An toàn/Bảo mật.
Xã hội: Tiện ích.
Kinh tế: Giao thông/kết cấu đô thị.
Kinh tế: Tiềm năng tăng trưởng.
Kinh tế: Hiệu quả/tính hợp lý.
Môi trường: Giảm CO2 tại ngành giao thông; giảm CO2 tại ngành xây dựng và tại khu vực xanh.
4
GBI Township
Khí hậu, Năng lượng nước.
Môi trường & Sinh thái.
Kế hoạch và phát triển cộng đồng.
Giao thông vân tải & Kết nối.
Tòa nhà & Tài nguyên.
Kinh doanh & Đổi mới.
Malaysia
5
IGBC Green Townships
Lựa chọn và lập kế hoạch.
Quy hoạch sử dụng đất.
Quy hoạch giao thông.
Quản lý tài nguyên cơ sở hạ tầng.
Đổi mới trong Thiết kế & Công nghệ.
Indian

 

4. Kết luận

Các công cụ đánh giá tính bền vững của đô thị thực sự cần thiết và hữu ích để tạo cơ sở cho giám sát, đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên hệ thống tiêu chí đánh giá là khác nhau và đang chỉ giới hạn một số khía cạnh phản ánh tính bền vững của đô thị chứ chưa phản ánh toàn diện về các mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau trên tất cả các khía cạnh. Điều đó cũng gây khó khăn cho đánh giá tính bền vững của đô thị trong bối cảnh khác nhau.


(Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 9&10/2019)

 

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)