Dẫu có khá nhiều quan điểm về phát triển đô thị bền vững được trình bày tại hội thảo nhưng hầu hết các nhà khoa học, các nhà quản lý đều thống nhất với nhau ở một điểm: “Quy hoạch phải được ưu tiên đi trước một bước để định hướng và đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng phát triển cũng như cải tạo chỉnh trang đô thị” như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đúc kết.
Tất nhiên, quy hoạch được nói đến ở đây phải là quy hoạch bền vững. Một quy hoạch mà theo như ông Chu Tiểu Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch miền Tây Trung Quốc mô tả: Quy hoạch bền vững phải là quy hoạch đúng mức bao gồm tiêu dùng đúng mức, sử dụng nguồn tài nguyên đúng mức, khai thác sử dụng cảnh quan thiên nhiên đi đôi với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, điều chỉnh quy mô dân số và mật độ dân số thích hợp.
Ngoài ra, quy hoạch phải không lãng phí tài nguyên đất và các tài nguyên khác của TP, xây dựng hệ thống giao thông tiết kiệm, lấy giao thông công cộng là chính, nâng cao hệ số sử dụng đất. Quy hoạch cũng phải duy trì sự cân bằng trong hệ sinh thái, đảm bảo các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của đô thị trong giới hạn phạm vi dung lượng cho phép của môi trường, không để ô nhiễm rồi mới xử lý. Quy hoạch theo hướng lâu dài phải có không gian dự trữ cho phát triển đô thị sau này, hạn chế khai thác các nguồn tài nguyên không thể tái sinh.
Riêng quy hoạch thiết kế đô thị phải tính tới địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật của khu vực quy hoạch. Còn quy hoạch vùng là để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các đô thị trong vùng, để mỗi địa phương có thể phát huy thế mạnh của mình, không xây dựng chồng chéo.
Đặt trong bối cảnh của TPHCM, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong quá trình lập quy hoạch phát triển bền vững, TPHCM cần quan tâm đến vấn đề cốt xây dựng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và TPHCM đang phát triển mạnh mẽ về hướng Nam - vùng trũng, gần biển thuộc hạ lưu các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ… “TPHCM phải đặt ra các chương trình nghiên cứu cụ thể và đưa ra các giải pháp thực hiện cùng những chế tài đủ mạnh để kiểm soát sự phát triển này”, ông Trần Ngọc Chính nói. Cũng góp ý cho quy hoạch bền vững của TPHCM, ông Shigehisa Matsumura đến từ Viện Nghiên cứu Nikken Sekkei (Nhật Bản) đề nghị nên phát triển mạnh mẽ vận tải công cộng khối lượng lớn, kết nối trung tâm TP đến các đô thị vệ tinh. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để kéo dãn dân ra khỏi trung tâm TP và giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông. Ở một góc độ khác, Hội Kiến trúc sư Việt Nam góp ý: “Không nên quá ưu tiên cho hiện tại để sau này sẽ phải trả giá đắt cho tương lai”.
Bảo tồn chứ không bảo tàng di sản
Làm thế nào để bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử trong quá trình phát triển bền vững đang là bài toán khó của cả 3 TP. Chính vì vậy, hội thảo đã dành một thời gian khá lớn cho nội dung này. Theo ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, một nguyên tắc cơ bản trong bảo tồn là làm cho di sản… sống. Phải gắn di sản với cảnh quan môi trường, phải đặt di sản trong không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, làm cho nó sống và phát triển. “Bảo tồn chứ không bảo tàng di sản”, ông Phùng Phu khẳng định.
Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị - nông thôn có một sáng kiến khác. Theo ông, để bảo vệ các khu phố cổ của Hà Nội thì phải thực hiện điều tiết dân số ở các khu phố này, không nên kéo thêm dân vào đây để gia tăng áp lực xây dựng mà sẽ có rất nhiều nguy cơ phá vỡ các kiến trúc cổ và bài học này cũng có thể áp dụng tại TPHCM.
Tuy nhiên, như một kiến trúc sư người Pháp lo lắng: “Vấn đề là giá đất của TPHCM và Hà Nội quá cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình bảo tồn các di sản”. Vị kiến trúc sư này đề nghị, trong bối cảnh ấy nên có sự lựa chọn thế mạnh. Xác định di sản của TP là gì và để dành cho ai? TPHCM cũng nên kết hợp bảo tồn với phát triển văn hóa đô thị. Như một bãi đậu xe có thể được thiết kế như một công trình có giá trị kiến trúc; một con đường đi bộ không chỉ để đi lại mà còn là nơi người dân có thể giao lưu trao đổi, chuyện trò…
Ông Phùng Phu còn có một đề xuất khác: Kinh phí cho bảo tồn phải được tính toán đủ. Hiện nay có rất nhiều hạng mục trùng tu không có tên trong danh mục dự toán kinh phí nguyên vật liệu của ngành chức năng nên thường bị bỏ đi. Điều này đã đẩy các nhà bảo tồn rơi vào tình huống rất khó xử: Làm sao trùng tu các hạng mục bị bỏ đi này?
Theo Sài gòn Giải phòng Online