Ban Chỉ đạo Chương trình 173 họp kiểm điểm tình hình thực hiện

Thursday, 10/25/2007 00:00
Acronyms View with font size
Ngày 23/10 tại Long An, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Ban Chỉ đạo Chương trình 173 xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở CTDC vùng ngập lũ ĐBSCL đã họp kiểm điểm tình hình thực hiện trong gần 6 năm qua. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ gồm các bộ: Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… đi kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại các huyện vùng sâu của tỉnh Long An - địa phương đang gặp nhiều khó khăn nhất trong việc đưa dân vào ở trong các cụm tuyến.


Đồng bào an cư, cán bộ an tâm

Nằm dọc đường biên giới với Campuchia, năm 2005 ấp Cả Chốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng được chương trình đầu tư một CTDC với 90 nền nhà cho đồng bào vùng ngập sâu và 30 nền sinh lời. Trong số 90 hộ thuộc diện được cấp nền, đã có 82 hộ xây dựng nhà theo thiết kế của Ban Điều phối. Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ấp Cả Chốt phấn khởi báo cáo với đoàn kiểm tra: “Trước đây đa số người dân sống trong các lều chòi tạm bợ bên bờ kênh, cực lắm. Vào ở trong cụm tuyến, đồng bào được xem ti-vi, được xài nước sạch, trẻ con được đến trường… Cuộc sống đã đổi thay nhiều rồi”.

Niềm vui của ông Thành cũng là niềm vui chung của người dân vùng ngập sâu Vĩnh Hưng kể từ ngày có CTDC. Bên cạnh đó, chính quyền không còn nỗi lo đánh trống vớt dân mỗi khi mùa lũ đến. Về Vĩnh Hưng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người cán bộ biên phòng ở huyện biên giới này khi thượng úy Nguyễn Văn Chính - cán bộ trạm Biên phòng Cả Chốt, đồn 889 cho hay: “Trước đây ấp Cả Chốt và xã Khánh Hưng luôn là địa bàn phức tạp nhất tỉnh. Nạn trộm cướp, rồi tội phạm các nơi về trốn trong các hộ dân sống rải rác ở các bờ bao khiến công an và bộ đội biên phòng rất vất vả. Từ ngày người dân về sống trong CTDC, chúng tôi không phải đi tuần nhiều mà vẫn đảm bảo được tình hình an ninh đường biên”.

Từng bước quản lý và xây dựng nếp sống đô thị

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà Bộ Xây dựng - cơ quan điều phối chương trình cho rằng, sự thành công của chương trình ngoài việc đưa người dân sống trong vùng an toàn còn đảm bảo cải thiện bộ mặt nông thôn vùng sâu vùng xa của ĐBSCL. Có thể nói, dù ai đến bất kỳ cụm nào trong số 530/747 cụm tuyến đã hoàn thành hạ tầng thì họ cũng đều có chung nhận xét đó là một tiểu đô thị vùng sâu vùng xa. Trong các CTDC, những con đường được mở rộng từ 6 - 10m với vỉa hè và cống thoát nước như ở đô thị, rồi hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống trường học, trạm y tế ngay tại CTDC đã giúp diện mạo nông thôn vùng sâu ĐBSCL cải thiện nhiều. “Chúng tôi đang cùng các tỉnh trong chương trình xây dựng quy chế của CTDC để quản lý về quy hoạch, kiến trúc và đời sống văn hóa cho đồng bào. Đó rõ ràng là những tiêu chuẩn sống của các tiểu đô thị thu nhỏ” - ông Hà nói.

Quan điểm của ông Hà rất được các tỉnh trong chương trình đồng tình. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Dương Quốc Xuân thì: “Sở dĩ có chuyện chậm trễ trong tiến độ xây dựng CTDC vì Long An luôn xác định phải làm hạ tầng cho đàng hoàng mới đón dân vào ở. Chúng tôi xác định phải làm sao để mỗi CTDC trở thành một thị tứ thu nhỏ”. Còn nói như Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trương Ngọc Hân: “CTDC đã làm thay đổi cuộc sống của người dân. Từ chỗ sống đơn độc hoặc co cụm ngoài đồng xa, nay đồng bào đã dần quen với nếp sống văn hóa trong các cụm đô thị dân cư. Đồng Tháp sẽ ban hành quy chế CTDC để phát triển đời sống tại nơi này theo hướng đô thị hóa nông thôn”.

Hướng tới giai đoạn II của chương trình

Tại hội nghị, các tỉnh, thành đều bày tỏ nguyện vọng được Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện giai đoạn II của chương trình này. Bà Phạm Kim Yên - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu: “Từ khi có CTDC, mỗi năm An Giang giảm được hàng chục người thiệt mạng trong mùa lũ. Trước đây, trong gần 6 tháng mùa lũ, chính quyền các cấp gần như chỉ lo việc di dời và cứu dân mà không tập trung vào chỉ đạo sản xuất được. Có CTDC, chúng tôi đã bớt được nỗi lo này. Trong thời gian tới, An Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đầu tư cho tỉnh thêm khoảng 60 CTDC với quy mô gần 300ha để bố trí cho khoảng 15.500 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm vào ở ổn định”. Những kiến nghị đó cũng được đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… ủng hộ.

Để hướng tới việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện giai đoạn II, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Ban Điều phối chương trình CTDC cho rằng, trước hết 8 tỉnh, thành trong chương trình phải đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm 2007 có thể hoàn thành và tổng kết giai đoạn I chương trình 173 của Chính phủ. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng CTDC. Tiếp đó, các tỉnh cần tự tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và lập kế hoạch để đề xuất việc thực hiện giai đoạn II vào đầu năm 2008. “Ngoài việc đề xuất phát triển các CTDC mới trong giai đoạn II, thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình sẽ có văn bản đến các bộ, ngành: KH&ĐT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, NN&PTNT, Y tế, GD&ĐT… để có thể lồng ghép các chương trình trong việc xây dựng CTDC giai đoạn II trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói./.

Nguồn: Báo Xây dựng điện tử
Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)