Dự án thủy điện Ðác Rtíh do Tổng Công ty xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên sông Ðác Rtíh nằm giữa thị xã Gia Nghĩa và huyện Ðác Rlấp, có tổng công suất 144 MW, gồm hai bậc, bậc trên có công suất 82 MW với thành phần công trình: đập chính, đập tràn, đập phụ 1, 2, 3, kênh nối số 1, 2, 3, kênh dẫn vào cửa lấy nước, đường ống áp lực và nhà máy, trạm phân phối... Bậc dưới có công suất 62 MW với các thành phần công trình: đập chính, đập tràn, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, tháp điều áp, đường ống áp lực và nhà máy, kênh xả... Dự án có tổng vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 8-2-2007 và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8-2011, gồm hai tổ máy với sản lượng điện trung bình hằng năm là 625 triệu KW giờ. Ðây là công trình thủy điện lớn thứ năm được xây dựng trên địa bàn tỉnh Ðác Nông.
Theo kế hoạch đề ra, đến tháng 11-2010, công trình thủy điện Ðác Rtíh sẽ tích nước hồ chứa với diện tích mặt hồ hơn 10 km2, dung tích hơn 10 triệu m3, và đến khoảng cuối quý I-2011 sẽ phát điện tổ máy số 1, tháng 6-2011 phát điện tổ máy số 2, đồng thời hoàn thành công trình.
Ðể thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra, ngay trong những ngày đầu, tháng đầu năm 2010, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã gấp rút thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ trên tất cả hạng mục công trình và đang ra sức chạy đua với thời gian. Về phía chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã phát động phong trào thi đua sâu rộng đến tất cả 29 nhà thầu và đơn vị thi công qua hai giai đoạn: từ đầu năm đến ngày 30-3 và từ ngày 1-4 đến ngày 30-6-2010. Do vậy, ngay trong thời điểm mùa khô này, các nhà thầu đã tập trung nhân lực và phương tiện máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công, kể cả trong ngày Tết.
Mặc dù từ trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án công trình đến các hạng mục đang thi công của công trình bậc dưới theo đường chim bay chỉ chưa đầy năm km, nhưng chúng tôi phải đi vòng 20 km mới đến bên bờ trái sông Ðác Rtíh. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Ðác R'tíh sâu thẳm ngoằn ngoèo như một con rắn khổng lồ đang trườn mình giữa núi rừng xanh thẳm, rồi đổ ra sông Ðồng Nai. Ðến công trường đang thi công hạng mục đập tràn và cửa dẫn dòng bậc dưới, không khí lao động ở đây diễn ra hết sức khẩn trương. Bên dưới dòng sông, hàng chục công nhân đang ngăn đập, dọn đất đá hố móng đập và lắp đặt cốt thép, chuẩn bị cho việc đổ bê-tông. Phía trên vách đá dựng đứng, có khoảng chục công nhân đang kéo ống phun bê-tông để chống sạt lở. Hạng mục này do liên doanh nhà thầu Việt Hưng-Cửu Long thi công. Theo thiết kế, đập tràn bậc dưới được xây dựng bằng bê-tông, có chiều cao 40 m, dài 60 m và rộng 102 m, sẽ được hoàn thành vào tháng 3-2011. Ðến tháng 4, các đơn vị thi công phải đổ bê-tông với chiều cao 15 m và hoàn thành cửa dẫn nước để tiếp tục xây dựng hai vai đập. Tại đây, chúng tôi gặp Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Cửu Long Võ Văn Quang đang chỉ đạo công tác thi công. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Tổng giám đốc Võ Văn Quang khẳng định: Do yêu cầu công việc nên từ nay đến tháng 4, bằng mọi giá, hai đơn vị phải hoàn thành việc đổ bê-tông đập tràn cũng như xây dựng xong cống dẫn dòng. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thi công và bảo đảm hoàn thành kế hoạch, hiện nay, mỗi công ty luôn huy động hơn 100 công nhân thay nhau làm việc ba ca/ngày. Buổi tối, chúng tôi sử dụng các phương tiện chiếu sáng để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công nhân làm việc. Ðể động viên anh em làm việc trong những ngày Tết, công ty tăng gấp hai, gấp ba lần tiền công lao động hằng ngày cho tất cả công nhân ở lại làm việc trong ba ngày Tết. Kỹ sư Nguyễn Hồng Quan, phụ trách kỹ thuật thi công đập tràn bậc dưới tâm sự: Ðây là năm thứ hai mình ăn Tết xa nhà nên nhớ gia đình, vợ con lắm! Nhưng đã chọn nghề này thì phải biết chấp nhận thôi. Vợ con ở nhà cũng hiểu và thông cảm cho mình. Hơn nữa, hiện nay công trình đang vào giai đoạn nước rút, để bảo đảm đúng tiến độ, tất cả kỹ sư, công nhân đều ở lại làm việc bất kể ngày đêm hay những ngày Tết.
Ðến công trường thi công hạng mục đường hầm dẫn nước nhà máy bậc dưới do liên doanh nhà thầu Vinavico-Vimeco đảm nhiệm thi công, không khí làm việc ở đây cũng hết sức khẩn trương. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó trưởng Ban chỉ huy công trình Bùi Tiến Dũng cho biết: Ðường hầm dẫn nước chính của nhà máy bậc dưới có tổng chiều dài 2.800 m, đến nay đơn vị đã đào được hai phần ba chiều dài đường hầm, với hàng chục nghìn khối đá. Chúng tôi đã sử dụng công nghệ BTM là công nghệ đào hầm mới nhất Việt Nam để thi công. Ðể bảo đảm kế hoạch thông hầm vào cuối tháng 2 này, liên doanh hai nhà thầu đã huy động 147 công nhân chia làm ba ca thi công liên tục 24/24 giờ, kể cả trong ngày Tết. Công nhân Nguyễn Văn Nam, thợ bậc 3/7, quê ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh vừa tan ca ra nghỉ, tâm sự: Năm nay, lần đầu em đi làm xa và đón Tết xa nhà, dù trong lòng rất nhớ cha mẹ, các em và bạn bè ở quê nhà, nhưng thấy cán bộ, công nhân trong đội thi công đều ở lại cả nên em tình nguyện ở lại làm việc và đón Tết trên công trường luôn.
Chia tay Nam, chúng tôi đến công trường thi công hạng mục đập phụ số 2 do Công ty Cổ phần cơ điện 44 thi công. Chỉ huy trưởng công trường Nguyễn Văn Huyên cho biết: "Ðể bảo đảm tiến độ chung của công trường, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Với tinh thần lao động khẩn trương, không ngại nắng, gió, bụi, anh em công nhân vẫn làm việc suốt ba ca trong ngày, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình". Tại các hạng mục khác như đập phụ số 1, số 3 cách đó không xa, trên công trường, hàng chục công nhân và phương tiện cơ giới vẫn đang làm việc hối hả.